Bà Ánh làm thiện nguyện

Hơn 20 năm đồng hành cùng các ngành chức năng, các đơn vị nhân đạo tại địa phương, bà Trần Thị Ánh, chủ tiệm uốn tóc Ánh tại phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho rằng mình chỉ là cầu nối cho các nhà hảo tâm trực tiếp đến với bà con nghèo, phần đóng góp của mình chẳng đáng là bao.

Bà Trần Thị Ánh cắt tóc cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp

Bà Trần Thị Ánh cắt tóc cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp

Hoa việc thiện

Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc, nhận xét: “Là một trong 5 cá nhân ở địa phương đạt danh hiệu “Hoa việc thiện” năm 2023 do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, chị Ánh là người có tâm thiện nguyện rất cao, sẵn sàng đồng hành cùng các hoạt động do hội triển khai vận động, như hỗ trợ chi phí đưa người mù đi mổ mắt tại TPHCM, đóng góp kinh phí mua nhiên liệu cho các xe chuyển viện từ thiện, thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ nghèo, người già neo đơn… Ngoài ra, chị còn nuôi ăn ở và dạy nghề cho các em nghèo, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh thắt ngặt tìm đến chị”.

Kể về mình, bà Ánh cho biết, hơn 50 năm trước, khi mới 13 tuổi, từ miền quê nghèo của tỉnh Bến Tre, bà sang Vĩnh Long học nghề cắt tóc, trang điểm cô dâu. Thật thà, siêng năng, chịu thương chịu khó nên bà được chủ cho ăn ở tại tiệm, vừa giúp việc nhà vừa học nghề. Bà nguyện với lòng khi có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định thì sẽ chia sẻ với những bà con nghèo bằng hết khả năng mình.

Sau ba năm học nghề và trở thành thợ uy tín, lành nghề, một người khách hảo tâm đã cho bà Ánh mượn vốn về Sa Đéc thuê mặt bằng mở tiệm. Chí thú làm ăn, bà tích lũy vốn, trả được nợ và mua được căn nhà phố, thoát nghèo từ đó. Khi có cuộc sống ổn định, bà bắt đầu làm nhiều việc thiện. Mặc dù có uy tín qua những công việc thiện nguyện, nhưng khi những mạnh thường quân muốn chuyển tiền để nhờ bà làm từ thiện, bà đều từ chối khéo với lý do bận rộn công việc, sợ sơ suất, không quán xuyến chu đáo tiền bạc và chỉ cung cấp địa chỉ, thông tin của người nghèo hay đơn vị nhân đạo để mạnh thường quân trực tiếp liên lạc.

Giúp người khó vượt nghịch cảnh

Em Võ Thị Thùy Trang (sinh năm 2000, ngụ khóm Hòa Khánh, phường 2, TP Sa Đéc) là một trong hàng chục em có hoàn cảnh khó khăn được bà Ánh dạy nghề miễn phí và cho ăn ở tại tiệm. Trang cho biết: “Ba con mất vì ung thư gan cách nay 3 năm. Mẹ con làm công nhân xa nhà. Lúc ấy, con đang học năm đầu Trường Cao đẳng Kinh tế tài chính, mẹ không lo nổi học phí nên con nghỉ học. Cô Ánh gọi con đến tiệm, cho ăn ở và dạy nghề. Dù có thành nghề, con cũng không muốn ra riêng. Ở bên cô, con không chỉ được học nghề mà còn được học đạo đức, lòng thương người.”

Anh Hồ Văn Thuận (sinh năm 1977, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) có con trai duy nhất là em Hồ Quốc Bình, sinh năm 2001, bị bệnh tim bẩm sinh, không có tiền phẫu thuật nên èo uột, ra vào bệnh viện thường xuyên. Vợ chồng anh làm thuê ở lò gạch, công việc bấp bênh. Một người bạn của vợ anh Thuận chỉ vợ chồng anh đến tìm bà Ánh. Bà đã đến Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em lo thủ tục giấy tờ đưa cháu Bình đi mổ, lên tận Bệnh viện An Bình (TPHCM) xin máu, đồng hành cùng bác sĩ và vợ chồng anh Thuận lo cho cháu Bình. Anh Thuận nói: “Vợ chồng tôi ngàn lần mang ơn cô Ánh. Mỗi lần thấy cô đi làm từ thiện đây đó, tôi rất mừng vì cô có sức khỏe để giúp thêm nhiều người. Con trai tôi giờ đã mạnh khỏe, học nghề cắt tóc và đi cắt tóc từ thiện cùng cô.”

Còn ông Nguyễn Thanh Phi (sinh năm 1962, ngụ phường 4, TP Sa Đéc) trước đây làm nghề giăng câu, chật vật nuôi đàn con qua bữa. Vợ ông vừa qua đời vào cuối năm 2023, sau hơn 3 năm bị bệnh tai biến mạch máu não. Ông cảm động kể: “Không biết lúc đó (thời điểm vợ ông Phi chưa qua đời) ai chỉ mà cô Ánh tìm đến nhà tôi cho sữa, cho tiền. Cô Ánh còn đi mua cho tấm nệm nước vì biết gia đình sợ vợ tôi nằm chiếu riết lở lưng, muốn mua mà không có tiền”.

Biết hoàn cảnh anh Nguyễn Văn Đồng (hơn 40 tuổi, ngụ xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, bị bướu cường giáp, hai chân khập khiễng) cùng mẹ già đi bán vé số ở chợ, bà Ánh vận động xin xe lăn cho anh. Khi hai mẹ con anh Đồng không còn trả nổi tiền phòng trọ và mẹ anh qua đời, bà Ánh lo thủ tục đưa anh vào cơ sở bảo trợ xã hội của chùa Kim Bửu, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi lần đến thăm, bà Ánh không quên xách theo hai ly nước mía vì biết anh Đồng rất thích uống.

Cô Ngô Thị Hạnh, Hiệu phó Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ: “Hơn 20 năm nay, cô Ánh đã đồng hành cùng chúng tôi trong việc cắt tóc cho các cháu, ủng hộ quà và chi phí mỗi dịp lễ, dạy nghề cho một số cháu đã qua giai đoạn can thiệp sớm. Từ sự hỗ trợ của cô, có em đã có cuộc sống ổn định và khá giả”.

Bà Trần Thị Ánh nói rằng số tiền 120 triệu đồng bà trợ giúp cho 600 lượt người nghèo khó và các hoạt động nhân đạo của địa phương trong năm 2023 chẳng đáng là bao. Nhưng “hoa việc thiện” từ tâm nguyện giúp người của bà đã góp phần để có thêm nhiều người nghèo ấm lòng vì tình nhân ái lan tỏa.

THANH TUYỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ba-anh-lam-thien-nguyen-post734297.html