Ba bài học trong quá trình giải quyết công tác biên giới lãnh thổ

Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn, có ba bài học mà các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia, nhất là cán bộ trẻ cần lưu ý.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nói chuyện với các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia. (Ảnh: Lê Thúy)

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nói chuyện với các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia. (Ảnh: Lê Thúy)

Tại buổi nói chuyện nhân kỷ niệm 46 năm ngày truyền thống của Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao (6/10/1975 - 6/10/2021) diễn ra vào ngày 7/10, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn đã chia sẻ những “Bài học kinh nghiệm trong quá trình giải quyết công tác biên giới lãnh thổ” với toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Ủy ban.

Ông Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Ủy ban Biên giới quốc gia đã đạt được nhiều thành công, đặt nền móng cho việc giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ ngày một lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, bản lĩnh. Đây là niềm tự hào, danh dự của các thế hệ cán bộ, công chức của Ủy ban Biên giới quốc gia, cần phải tiếp tục được phát huy.

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cùng các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia. (Ảnh: Lê Thúy)

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cùng các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia. (Ảnh: Lê Thúy)

Về những kinh nghiệm trong quá trình giải quyết công tác biên giới lãnh thổ, ông Hồ Xuân Sơn cho rằng, có ba bài học mà các cán bộ Ủy ban Biên giới quốc gia, nhất là cán bộ trẻ, cần lưu ý.

Thứ nhất, phải có lòng yêu nghề và luôn rèn luyện bản lĩnh. Làm công tác biên giới lãnh thổ tuy vất vả nhưng cũng có nhiều điều thú vị, là cơ hội để các cán bộ khám phá, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích cả về chuyên môn lẫn các kỹ năng trong cuộc sống.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu, chỉ có lòng yêu Tổ quốc, trân trọng công sức của ông cha trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mong muốn đóng góp sự phát triển của đất nước, say sưa với các công tác đàm phán, khảo sát… mới có thể giúp các cán bộ làm tốt công tác quan trọng này.

Thứ hai, phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, cần chịu khó, chủ động học hỏi, nghiên cứu, luôn tự trau dồi bồi dưỡng không chỉ về kỹ thuật mà cần nắm vững cả kiến thức về lịch sử, ngoại giao, lãnh sự, lễ tân, báo chí…

Đặc biệt, cán bộ trẻ cần tích cực rèn luyện kỹ năng thuyết trình và viết một cách súc tích, ngắn gọn, đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của từng nhiệm vụ.

Thứ ba, một trong những đặc trưng của công tác biên giới, lãnh thổ là đàm phán về các vấn đề liên quan đến hoạch định, phân định và quản lý các đường biên giới, vùng biển. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị, ngoại giao, pháp lý và kỹ thuật. Trong quá trình đàm phán cần biết vận dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên cơ sở nắm chắc chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng với bản lĩnh vững vàng, tự tin của người đàm phán.

Kết thúc buổi nói chuyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trịnh Đức Hải thay mặt toàn thể cán bộ cảm ơn những chia sẻ hết sức gần gũi mà sâu sắc từ vị thủ trưởng cũ của Ủy ban.

Phó Chủ nhiệm Trịnh Đức Hải mong rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều buổi trao đổi, chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, giúp cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ thêm kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-bai-hoc-trong-qua-trinh-giai-quyet-cong-tac-bien-gioi-lanh-tho-161019.html