Bà Bảy đưa đò

'Bà Bảy tới, bà Bảy tới, các bạn ơi!'. Tiếng lũ học trò gọi nhau vang cả khúc sông, rồi tất cả chạy ùa ra bờ sông, lần lượt bước lên chiếc xuồng nhỏ trước ánh mắt độ lượng, trìu mếm của người lái đò đã bước sang tuổi 61. Đó là bà Đoàn Thị Nhị, nhưng người địa phương và học sinh vùng này quen gọi bà bằng cái tên thân thương: Bà Bảy đưa đò.

“Tui đưa đò giúp các cháu nhỏ tới trường miễn phí hơn 6 năm rồi. Dù mưa gió, bão lụt thế nào, tui cũng không thể vắng mặt vì sợ lũ nhỏ trễ nải bài vở. Mãi rồi quen, tới mùa hè hay thứ bảy, chủ nhật, tụi nó nghỉ học, tui buồn lắm!”. Vừa nói, bà Nhị vừa trông ra dòng sông rộng mùa nước lớn cuồn cuộn chảy với đôi mắt lo âu.

Có lẽ với tình cảm dành cho lũ trẻ như vậy nên những lúc trái gió trở trời, ngồi xuống đứng lên khó nhọc nhưng bà Bảy Nhị vẫn khăng khăng với chồng: “Tui còn chạy đò được, không có mình, các cháu nhỏ sẽ nghỉ học, vậy thì có lỗi lắm”. Nghe vợ nói đến đó, ông Bảy chỉ biết im lặng!

 Những chuyến đò đong đầy lòng nhân ái của bà Đoàn Thị Nhị.

Những chuyến đò đong đầy lòng nhân ái của bà Đoàn Thị Nhị.

Ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang)-nơi gia đình bà Nhị sinh sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Người dân nơi đây chủ yếu làm thuê, trồng mía, trồng lúa với diện tích có hạn. Cái ăn, cái mặc đã khó thì việc cho con em đến trường quả là gánh nặng với mỗi gia đình nơi đây. Đã vậy, địa hình ấp bị sông rạch đan xen chia cắt, mọi sinh hoạt đi lại, học hành chủ yếu bằng đường thủy khiến hàng chục học sinh không có phương tiện đi lại trên sông nước từ nhà đến trường (khoảng 3km). Nhiều gia đình dù rất muốn con em đi học để thoát cảnh mù chữ nhưng “lực bất tòng tâm”, bởi sông nước mênh mông, nhất là vào mùa lũ. Đưa con em đến trường chỉ còn có nước ngồi chờ chúng tan học để rước về. Nếu vậy thì không có thời gian lao động, lấy gì mà ăn, mà sống?

Cái tin bà Bảy Nhị tự nguyện đưa học sinh miễn phí từ các gia đình nằm sâu trong con rạch nhỏ đến trường, rồi lại rước chúng về lan nhanh trong niềm vui bất tận của hàng chục gia đình khó khăn. Ông Võ Văn The, 78 tuổi, xúc động: “Tui có hai cháu ngoại đang học ở trường. Nhà nghèo nên ba má các cháu đi làm thêu ở Bình Dương cả năm mới về quê một lần. Tui già rồi đâu có chèo chống gì nổi, đang tính cho tụi nhỏ nghỉ học thì được tin bà Nhị tự nguyện đưa đón các cháu. Người đâu mà tốt quá”. Nói đến đó, đôi mắt già nua của ông The bỗng đỏ hoe.

Trong thời gian đầu bà Bảy Nhị đưa đò miễn phí, người khen thì nhiều nhưng người dè bỉu, chê bai cũng không ít. Họ nói vợ chồng bà Nhị làm chuyện “tào lao” để được lên “vô tuyến”, để được mấy nhà mạnh thường quân tới giúp đỡ chứ ai lại “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Làm vậy có ích chi? Làm được bao lâu? Rồi dẹp mấy hồi?... Mặc những lời gièm pha cay độc, mỗi ngày, chiếc thuyền nhỏ của bà Nhị vẫn bon bon đến trường bất kể nắng mưa, bão lũ, dưới sự điều khiển rất bài bản của nữ tài công “miệt vườn”.

Cô Phạm Ngọc Ửng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh 3 cho biết: “Nhờ có chị Bảy Nhị đưa đón nên nhiều học sinh của trường, trú tại ấp Long Trường 2 đến lớp thường xuyên, đúng giờ, lại rất an toàn. Chúng tôi vô cùng trân trọng tấm lòng của chị. Nhà cũng rất khó khăn nhưng chị đã vượt qua để giúp đỡ các cháu".

Không chỉ làm nhiệm vụ “tài công”, bà Nhị còn thường xuyên dạy dỗ các em phải biết hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ, xa lánh điều xấu, làm nhiều việc tốt, biết giúp đỡ, yêu thương mọi người xung quanh. Khi phát hiện trường hợp học sinh bỏ học, bà Bảy Nhị cùng nhà trường tìm đến tận nhà động viên, giúp đỡ các em trở lại trường lớp. Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh Trường Tiểu học Long Thạnh 3 kể: “Bà Bảy hiền lắm, dạy dỗ chúng con nhiều điều hay lẽ phải, kể nhiều câu chuyện xúc động về lòng hiếu thảo, sự trung thực, vị tha, biết yêu thương con người với nhau”.

Lý giải về cơ duyên trở thành người tự nguyện đưa đò cần mẫn hơn 6 năm qua, bà Bảy Nhị cho biết: "Gia đình tui có 3 người con đi làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, vì vậy, vợ chồng tui đảm đương việc chăm sóc cháu, kể cả việc đưa nó đến trường. Từ đó, mỗi ngày khi đưa các cháu đi học, tui thấy nhiều học sinh khác phải lội bộ hàng cây số băng qua những chiếc cầu khỉ nguy hiểm, những con đường sình trơn trượt, vậy là ý tưởng “sắm” một chiếc xuồng để đưa rước học sinh miễn phí hình thành trong suy nghĩ. Tui đem chuyện này bàn bạc và được chồng đồng ý. Thế là tui vay 10 triệu đồng để mua phương tiện. Mỗi ngày, công việc này của tui bắt đầu từ 5 giờ 30 phút, đến trường khoảng hơn 6 giờ. Đến 10 giờ 30 phút, tui lại đến đón “khách hàng” của mình".

Chị Phan Thị Tốt, hàng xóm của bà Bảy Nhị bày tỏ: “Vợ chồng chị Bảy Nhị hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng có tấm lòng thơm thảo. Không có chị ấy, trẻ con xóm này bỏ học nhiều lắm". Biết được nghĩa cử cao đẹp của bà Bảy Nhị, một mạnh thường quân ở Đồng Nai đã tài trợ cho bà một chiếc xuồng máy mới, lớn hơn, còn hỗ trợ xăng dầu để bà đưa rước học sinh quanh năm. Bản thân bà cũng được UBND huyện Phụng Hiệp tặng 4 giấy khen vì những việc làm cao đẹp của mình...

Bài và ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/ba-bay-dua-do-603657