Ba bến đò xưa trên đất học Yên Hồ
Xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đời Trần gọi là Bà Hồ, sang đời Lê gọi là Bình Hồ. Tên Yên Hồ có từ đời Tây Sơn khi Quang Trung lên ngôi (1788) để tránh tên húy của ông, nên đổi Bình Hồ thành Yên Hồ. Cùng năm đó, làng Bình Yên đổi thành xã Thái Yên như ngày nay.
Một thầy địa lí người Trung Quốc cho rằng Yên Hồ có thế đất Điểu linh (Con chim linh thiêng), hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc; Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông Chi La. Con sông Chi La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ TÂM, là cái thế bền vững muôn đời.
Đất đai do phù sa hai con sông này bồi đắp nên nông nghiệp Yên Hồ ngày càng phát triển, làng xóm trù phú, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cùng với nghề nông, Yên Hồ xưa còn nổi tiếng về nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Hiện Yên Hồ là xã đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Yên Hồ nổi tiếng là đất học, từ xưa đã có nhiều bậc đại khoa. Từ thế kỷ XIII đã có Đào Tiêu đậu Trạng nguyên năm Ất Hợi (1275) đời Trần Thánh Tông. Ông là người khai khoa cho đất phía nam Châu Hoan suốt 200 năm vắng bóng người đậu đại khoa kể từ khoa thi tam trường đầu tiên dưới triều vua Lý Nhân Tông (1075). Tính đến nay Yên Hồ có 2 trạng nguyên 8 tiến sĩ thời phong kiến cùng hơn 50 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ với những nhà khoa học hàng đầu như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Xuân Nhị, Giáo sư Võ Quý, Giáo sư Trần Đức Thiệp...
Địa linh sinh nhân kiệt, Yên Hồ còn là vùng đất lịch sử. Yên Hồ có sông La, sông Minh bao 3 phía như chiến hào thiên nhiên, có thái ấp họ Trần giàu có, lòng dân yêu nước, nghề nông tang, dệt vải, nghề rèn phát triển. Vì thế bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Trần Trùng Quang đã phò vua Trùng Quang lên ngôi nơi đây và xây dựng Bình Hồ thành căn cứ địa để suốt 5 năm trời chống giặc Minh xâm lược (1409-1413), tính đến nay đã 614 năm (1409-2023).
Ngoài đền Làng Trung, đền Chi Lậm, đền Cây Thông, làng Ngói, chùa Gìn, ở đây còn có nhiều dấu tích về cuộc kháng chiến của vua Trùng Quang đời Hậu Trần với lũy đất, các dấu tích địa danh như: Làng Dài, Cồn Án, Cồn Nhoi, Bến Xưởng, mả Chúa, Cồn Kho, dăm Đồng Bè, dăm Sát, ... ghi dấu một thời bi hùng của dân tộc.
Yên Hồ là nơi có nhiều con gái đẹp người, đẹp nết. Gần đây các cô gái Yên Hồ đi tham gia các cuộc thi sắc đẹp, duyên dáng cũng đã thu được nhiều thành tích như Hoa khôi Miss toàn châu Âu là em Trần Lê Na; em Bùi Phương Nga, Á hậu 1; tháng 10 năm 2018, TOP 10 thi Hoa hậu Hòa bình thế giới tại Malaysia, Minh Tâm và Lê Na giành 2 Huy chương vàng về cuộc thi quốc tế lần 1 và 2: Tôi yêu tiếng nước tôi toàn thế giới. Những câu ca: “Muốn ăn xôi nếp độ chà/Muốn xem gái đẹp thì ra Yên Hồ”, hoặc câu: “Trai Đông Thái, gái Yên Hồ” đã được dân gian truyền tụng. Phải nói rất ít địa phương có được những câu ca đẹp đẽ như thế.
Xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh xưa có 3 bến đò, đó là: đò Hào, đò Đồng Dâu và đò Dè. Tuy nay đã có cầu nhưng 3 bến đò quê vẫn đằm trong kí ức bao thế hệ người dân nơi đây. Bến đò Dè cũng có từ lâu và nổi tiếng hơn cả vì nó được gắn liền với câu chuyện “ruộng tiền đò”.
Chuyện kể rằng đời vua Lê Thần Tôn ở làng Bình Hồ, huyện Chi La (nay là xã Yên Hồ - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh) có cậu bé Lê Đắc Toàn (1622-1673) sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ làm nghề nông. Lê Đắc Toàn là một người thông minh, có tinh thần vượt khó học tập tốt và sống rất có nghĩa tình. Thuở nhỏ, Toàn theo học một ông đồ bên làng Ngọc Sơn (nay là phường Đức Thuận - thị xã Hồng Lĩnh). Đường sang đó phải qua bến Đò Dè. Nhiều hôm, trời rét căm căm, không có tiền, Toàn phải cởi quần áo cùng sách vở cầm tay giơ cao, bơi đứng qua sông để đến trường. Có bữa, ông lái đò trông thấy thương tình cho Toàn đi đò miễn phí.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Một hôm nhân dân Ba Hồ trống dong, cờ mở đón Hội nguyên Lê Đắc Toàn về làng vinh quy bái tổ. Ông tìm lại bác lái đò xưa, nhưng bác đã trở thành người thiên cổ. Lê Đắc Toàn liền mua 5 sào ruộng cấp cho con cháu người lái đò để họ lấy hoa lợi trên mảnh đất đó mua hương hoa tế lễ ân nhân của mình. Ruộng tiền đò ra đời từ đó, thật độc đáo và giàu ý nghĩa.
Cùng với Dăm Bút - Dăm Nghiên; Dăm Lành - Dăm Ác; Dăm Đục - Cồn Trong, “Ruộng tiền đò” trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học và sống có nghĩa tình của người dân Yên Hồ. Đò Dè cùng với Đò Hào, Đò Đồng Dâu là một phần kí ức khó phai, là hồn cốt của quê hương ta, bến nước gốc đa luôn luôn có trong tiềm thức của mỗi người con xa xứ, dù nay qua sông đã có cầu, không còn phải lụy đò. Hai bến dò Đồng Dâu và Đò Hào tác giả xin được gửi gắm lòng mình qua 2 bài thơ lục bát sau đây thay cho lời giới thiệu.
BẾN ĐÒ ĐỒNG DÂU
Chiều về, trên bến Đồng Dâu
Đàn trâu đủng đỉnh đưa nhau về chuồng.
Bến quê biết mấy yêu thương,
Ai xa, có nhớ quê hương thì về!
Trẻ con mê mải triền đê
Để bà khản tiếng gọi về ăn cơm.
Ngoài đồng mẹ đốt rạ rơm
Mùa vụ xong ngọn khói thơm cả làng.
Đồng Dâu dân đã chuyển sang
Nghe tiếng hạc nhớ đò ngang một thời.
Bãi bờ dâu mướt xanh tươi.
Bà bên khung cửi dệt trời bình yên.
Xóm thôn đổi mới đi lên
Quê hương nhắc bạn đừng quên đất này.
BẾN QUÊ
Chiều nay ra bến buông câu
Kéo lên được cả khối sầu tương tư.
Thương chim bói cá gật gù
Mấy lần lao xuống, lại vù bay lên.
Con cò kiếm cá ruộng bên
Hoàng hôn buông xuống cò quên đường về.
Đàn trâu gặm cỏ triền đê
Vểnh tai tìm tiếng sáo quê lưng trời.
Sông bao năm, nước đầy vơi
Bến xưa vẫn đó mà người nơi đâu?
Chiều nay ra bến thả câu
Mà sao người ấy từ lâu chưa về.
Có còn nhớ những câu thề
Về hưu bỏ phố ta về với nhau?
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ba-ben-do-xua-tren-dat-hoc-yen-ho-i708114/