Ba Bộ trưởng nói về hoạt động quyên góp từ thiện, vận động cứu trợ

Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề trong hoạt động quyên góp từ thiện, vận động cứu trợ thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về nguyên tắc nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa. Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tuy vậy, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao. “Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần khuyến khích làm từ thiện nhưng phải có nguyên tắc, theo quy định pháp luật”, ông Dung nói.

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trước thực trạng vừa qua, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP. khi Nghị định 93 có hiệu lực, chắc chắn việc tổ chức thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp, còn trong quá trình vừa qua, nếu cá nhân, tổ chức nào sai thì phải xử lý theo pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau nhiều năm thực hiện thì Nghị định 64 đã bộc lộ một số nhược điểm, nhất là tính công khai, minh bạch, cũng như các quy định liên quan đến phân phối, mở tài khoản, đăng ký vận động.

Tuy nhiên, theo ông Phớc những nhược điểm trên của Nghị định 64 đã được khắc phục ở Nghị định 93, với nhiều điêm mới như các quy định về phân bổ hàng hóa, tiền cho các đối tượng thụ hưởng; việc mở tài khoản theo từng đợt vận động, cũng như sự công khai, minh bạch trong hoạt động vận động, thiện nguyện…

Về kết quả tiếp nhận, giải quyết các đơn tố cáo về sai phạm trong quyên góp từ thiện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, hiện nay Bộ Công an giao cho Cục Cảnh sát Hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện trong đợt bão lũ xảy ra ở khu vực miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ để làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.

Hiện nay đang triển khai các công việc kiểm tra xác minh, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với một số ngân hàng tiến hành rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ quá trình huy động, quyên góp, quá trình giải ngân; phối hợp với UBND, UBMTTQVN các cấp ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh làm rõ số tiền, hàng các nghệ sỹ đã tiến hành cứu trợ từ thiện tại các địa phương.

Đồng thời cũng mời một số các cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan để sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Lâm, qua rà soát tại các địa phương, hiện nay cơ quan điều tra Tp.HCM đã tiếp nhận 6 tố giác về tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sỹ. Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra công an Tp.HCM đang tiến hành phân loại các tố giác theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự.

“Qua rà soát nắm tình hình, Bộ Công an cũng sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung quy định để hoạt động này đảm bảo công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

T. Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ba-bo-truong-noi-ve-hoat-dong-quyen-gop-tu-thien-van-dong-cuu-tro-d25466.html