Ba cái nhất của giới sáng tác văn học ĐBSCL
Mới đây, tại tỉnh Bến Tre, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thơ và Văn xuôi ĐBSCL 45 năm (1975 - 2020). Hội thảo đã cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát về bước thăng trầm của văn học vùng Tây Nam Bộ trong giai đoạn độc lập, xây dựng đất nước và phát triển theo hướng hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đánh giá, sau 45 năm, văn học ĐBSCL đã có nhiều thành tựu, nhiều gương mặt triển vọng, góp phần vào sự phát triển chung của văn học Việt Nam.
Đến nay, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, sưu khảo chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tiểu thuyết, trường ca, cùng hàng ngàn tập thơ, tập truyện ngắn, bút ký, truyện ký… ra đời, mang đến món ăn tinh thần bổ ích, lành mạnh cho mọi người.
45 năm qua, văn chương đồng bằng đã kế thừa, vun bồi với ba thế hệ cầm bút. Thứ nhất là những nhà văn từ kháng chiến tiếp tục cống hiến như: Lê Chí, Nguyễn Bá, Anh Động… Thứ hai là tác giả trưởng thành sau năm 1975 như: Vũ Hồng, Hữu Nhân, Thai Sắc… Thế hệ thứ ba là những cây bút sinh ra trong hòa bình như Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Thiên Kiều, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt… Hiện, 13 tỉnh ĐBSCL có 49 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó, An Giang có đến 11 hội viên.
Đánh giá về văn học đồng bằng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, lâu nay, văn học ĐBSCL luôn được chờ đợi nhiều nhất trong cả nước. Nhiều cây bút ở vùng đất này không chỉ khẳng định dấu ấn ở địa phương, trong nước mà còn vươn ra quốc tế.
“Về văn học ĐBSCL, tôi xin khái quát qua 3 cái nhất: nhiều cây bút nữ nổi tiếng nhất; độ sung sức của các tác giả cao nhất; tiềm năng dồi dào nhất. Điều đó có nghĩa, đội ngũ nhà thơ, nhà văn ở ĐBSCL được chăm bồi, liên tiếp kế thừa, đem đến nhiều giá trị văn học cho khu vực và cả nước”, ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng: “Các tác giả đồng bằng hoàn toàn có tiềm năng và khả năng để giới thiệu đến bạn đọc cả nước và thế giới hình ảnh một vùng đất đầy sức sống và quyến rũ”.
Còn theo nhà thơ Lê Chí, đội ngũ làm thơ ở khu vực ĐBSCL trong hơn thập niên qua đã tăng lên đáng kể, có đến hàng trăm, nhất là trong sinh viên, học sinh. Điểm nổi trội của mảng thơ này là trong trẻo, giản dị.
Nhà thơ Lê Chí cho rằng, “thuộc tính của thơ là tìm tòi, đổi mới, nếu không thì thơ sẽ nghèo nàn, nhàm chán, còn lại chỉ là xác chữ. Nhưng không vì mượn cớ cách tân, ẩn dụ tinh tế mà né tránh đối thoại với những bức xúc đời sống, vô tình đẩy thơ ngày càng xa người đọc bởi sự siêu cảm và khó hiểu”.
Có một sự thật đáng buồn là hiện nay, văn học ĐBSCL gần như “vắng bóng” mảng lý luận, phê bình văn học. Rất hiếm những cây bút lý luận phê bình sắc sảo, tạo được tiếng vang. Hiện các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khu vực ĐBSCL không có ai thuộc chuyên ngành này.
Theo nhà thơ Võ Tấn Cường (Tiền Giang), đội ngũ phê bình văn học thiếu và yếu. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ có giá trị về nghệ thuật tư tưởng được xuất bản nhưng lại chìm vào quên lãng, do chưa có sự thẩm định, đánh giá của các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp.
Còn theo nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang) lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL còn khá khiêm tốn, nhiều địa phương gần như vắng bóng. Từ đó, ông Nghĩa đề nghị, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Nhà văn địa phương cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động, thường xuyên theo dõi, phát hiện, chăm bồi những cây bút trẻ triển vọng làm hạt nhân cho phong trào.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu các cơ quan hội và hội viên phấn đấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Chuyên nghiệp trong đội ngũ các biên tập, nhà xuất bản, tạp chí chuyên ngành; chuyên nghiệp trong hoạt động của Hội Nhà văn từ Trung ương đến địa phương; chuyên nghiệp trong mỗi nhà văn, nhà thơ.
Sự chuyên nghiệp đó được thể hiện ở giá trị tác phẩm, cách đánh giá và bình luận tác phẩm cũng như quá trình sáng tác của tác giả. Để làm được điều đó, hội không đầu tư dàn trải mà phải đầu tư đích đáng hơn, quan tâm phát triển những cây bút lý luận phê bình để làm nổi bật và chấp cánh cho văn thơ khu vực đồng bằng.