Bà chủ mang món ăn nức tiếng Hà Nội vào Sài Gòn, thu tiền triệu mỗi ngày
5h sáng, vợ chồng bà Hằng mang bàn ghế, chiếc xe đẩy, nguyên liệu, dụng cụ làm bánh ra bày biện. Một giờ sau, bánh tráng ra đến đâu, khách mua hết đến đó.
Ở TP.HCM, bánh cuốn là món ăn sáng quen thuộc của rất nhiều người, vì thế các cửa hàng bán món ăn này thi nhau “mọc lên”. Giá mỗi suất bánh chỉ từ 10.000 - 40.000 đồng.
Quán của vợ chồng bà Hằng ở phường Phú Hữu, Quận 9 là một trong số đó.
Quán chỉ có chiếc xe đẩy và mấy bộ bàn ghế nhựa bày biện trong diện tích khoảng 12m2 trước căn nhà cấp bốn, không có biển hiệu hào nhoáng, chỗ ngồi sang trọng... nhưng rất đông khách ghé ăn.
Vợ chồng bà Hằng quê gốc Hà Nội, vào Sài Gòn lập nghiệp mấy chục năm trước. Ban đầu, bà bán hàng tạp hóa, chồng làm việc trong cơ quan nhà nước. Hai năm trước, cửa hàng buôn bán ế ẩm, bà quyết định đóng cửa, ra Hà Nội mua nồi, dụng cụ làm bánh mang vào Sài Gòn tráng bánh cuốn, bánh ướt bán.
Bà Hằng kể, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), gia đình bà bán bánh cuốn mấy chục năm qua. Vì vậy, từ nhỏ người phụ nữ này đã thuộc lòng các khâu ngâm gạo, xay bột, tráng bánh như thế nào để chiếc bánh đẹp, chín tới, láng mịn và dậy mùi thơm của gạo tẻ. Các công đoạn làm nước chấm, phi hành bà cũng thuộc như lòng bàn tay.
Nơi vợ chồng bà Hằng ở chủ yếu là dân tứ xứ đến sinh sống. Mỗi người có thói quen thưởng thức ẩm thực khác nhau, chưa kể, bánh cuốn thì nơi nào cũng có. Vì vậy, câu hỏi bà Hằng đặt ra là làm sao món ăn mình bán phải phù hợp khẩu vị với tất cả khách hàng.
Cuối cùng, bà Hằng biến món bánh cuốn truyền thống Thanh Trì thành bánh cuốn Sài Gòn. Đó là, bánh cuốn có nhân thịt heo, mộc nhĩ, củ đậu. Các nguyên liệu này thái nhỏ, nêm nếm xào qua cho chín. Bánh tráng xong, cho nhân rải đều khắp bánh rồi cuộn lại, cắt miếng vừa ăn.
Khi ăn, có thêm chả giò, nem, giá trụng, rau thơm.
Nước mắm ăn cùng bánh được pha với tỏi, ớt, chanh, đường, nước sôi để nguội. Các nguyên liệu này xay nhuyễn, căn làm sao cho vừa, nước mắm sau khi pha rót ra sền sệt. Khâu khó nhất là làm sao chén nước mắm pha có vị chua của nước cốt chanh, ngọt của đường, cay của ớt, thơm của tỏi hòa quyện vào nhau nhưng nước phải trong.
Bí quyết của bà Hằng là dùng tấm vải màn thưa lọc để cặn không rơi xuống. Đây là công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi người đứng bếp phải mất nhiều thời gian, công sức nhất. Đổi lại, chén nước mắm rót ra phù hợp với từng thực khách. Ai thích ăn cay thì nêm thêm chút ớt, hoặc gia giảm thêm mặn, ngọt.
Với khâu làm bột bánh, bà Hằng dùng loại gạo ngon, có mùi thơm, ngâm đúng 8h rồi tự xay thành bột. Khi xay bà cho nước rưới đều lên gạo, giúp hỗn hợp xay nhuyễn hơn. Thông thường, bà Hằng xay 2-3 lần để giúp gạo mềm, mịn, khi tráng bánh sẽ chín đều, liên kết bánh đẹp hơn.
Bột xay xong để trong tủ lạnh bảo quản giúp bánh không bị chua. Khi tráng bánh, bà cho vào một ít bột năng, ít muối để bánh sánh, ăn sẽ đậm hơn. Bên cạnh đó, việc đổ bột bánh lên khuôn nhanh và đều tay cũng giúp tráng bánh mỏng và đều.
Đến nay, bà Hằng đã mở quán được hơn hai năm. Ngày nào khách cũng đông, bánh tráng ra đến đâu bán hết đến đó.
Những ngày thường, bà Hằng bán được 300-400 phần/ngày. Còn những ngày lễ Tết, số lượng bán tăng gấp đôi. Giá bán mỗi phần bánh từ 10.000-30.000 đồng, tùy lượng khách ăn. Tổng cộng mỗi tháng, vợ chồng bà Hằng thu cả trăm triệu đồng.
Để đủ nguyên liệu tráng bánh, mỗi ngày, bà Hằng ngâm 24kg gạo, 18kg giá, gần 2kg nấm mèo, 35kg củ sắn... Các nguyên liệu này, bà lựa chọn kỹ, tươi, có nguồn gốc rõ ràng và bà sẽ là người chuẩn bị.
Ví dụ như mộc nhĩ, bà dùng nước vo gạo ngâm đúng 8h và rửa từng tai một để nấm sạch đất và các tạp chất. Với thịt heo làm nhân, bà đến tận lò mổ đặt hàng, yêu cầu họ giao vào buổi sáng để thịt tươi. Có nhiều người cung cấp thực phẩm đến chào hàng giá rẻ hơn, còn có khuyến mãi nhưng bà kiên quyết từ chối.
"Bánh làm ra mình ăn được thì khách mới ăn được. Khách họ cũng sẽ giống như tôi, vào quán ăn nào nhìn mọi thứ sạch sẽ, món ăn tươi nóng thì mới yên tâm được", bà Hằng nói.
Các nguyên liệu trên bà chuẩn bị sẵn và bảo quản kỹ, làm sao 4h sáng phải xong hết. Năm giờ sáng mỗi ngày, bà Hằng cùng chồng, các con và hai nhân viên bắt đầu bày biện bếp, xếp bàn ghế.
Đúng 6h sáng, hai nồi nước nấu để tráng bánh nóng hổi, hơi bay lên nghi ngút. Bánh tráng ra đến đâu bán hết đến đó.
Vợ chồng chị Như Mai quê Hà Tĩnh, hiện ở khu phố 4, phường Phú Hữu là khách quen của quán bà Hằng. Chị cho biết, cả gia đình 4 người nhà chị thường đến quán bà Hằng ăn bánh cuốn nhưng không thấy ngán, nhất là hai con trai của chị. "Bánh cuốn ở quán cô Hằng thu hút người ăn vì lá bánh mềm, nhân vừa ăn, chén nước mắm ăn rất vừa miệng, không bị tanh sau khi ăn", chị Mai nói.
Bà Hằng cho biết, quán bánh cuốn này không chỉ cho vợ chồng bà thu nhập mà còn tạo việc làm cho cả gia đình bà. Vì vậy, từ khâu chọn nguyên liệu, chuẩn bị nguyên liệu, tráng bánh đến những chiếc đĩa, cái bát, đôi đũa... bà rất kỹ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.