Ba cổ đông lớn nhất của PGBank cùng giảm tỷ lệ sở hữu

Sau đợt chào bán thêm cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của cả ba cổ đông lớn nhất của PGBank đã giảm từ 40% về còn 33,6%.

Theo công bố mới nhất từ Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) ba cổ đông lớn nhất đã giảm tỷ lệ sở hữu sau đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông mới đây.

Cụ thể, ba tổ chức giảm tỷ lệ sở hữu là CTCP Thương mại Vũ Anh Đức, CTCP Quốc tế Cường Phát và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh. Đây là ba công ty đã mua lại khoảng 40% vốn điều lệ PGBank từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) qua đấu giá.

Theo đó, trong ngày 14/4, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức đã chuyển nhượng gần 10,7 triệu quyền mua cổ phiếu PGB phát hành thêm, số lượng cổ phiếu sở hữu được giữ nguyên ở mức 56,11 triệu cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu giảm từ 13,36% về còn 11,22%.

CTCP Quốc tế Cường Phát chuyển nhượng hơn 10,83 triệu quyền mua cổ phiếu. Hiện số lượng cổ phiếu nắm giữ vẫn là gần 56,9 triệu cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu giảm từ 13,54% về còn 11,375%.

Tương tự, ngày 8/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh cũng chuyển nhượng 10,48 triệu quyền mua. Số lượng cổ phiếu sở hữu vẫn là hơn 55 triệu cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu giảm từ 13,1% xuống còn 11%.

Tính chung lại, tỷ lệ sở hữu của cả ba cổ đông đã giảm từ 40% về còn 33,6%. Thông tin của các bên mua thêm cổ phiếu PGB chưa được tiết lộ.

Trước đó vào đầu tháng 3, PGBank thông báo chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành là 21%, giá chào bán 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 2/3 thị giá thời điểm đó (15.500 đồng/cp). Lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng.

Dự kiến sau khi hoàn tất đợt chào bán, ngân hàng sẽ thu về khoảng 800 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Theo PGBank, mục đích chào bán cổ phiếu lần này nhằm bổ sung nguồn vốn để sắm tài sản cố định, công cụ lao động ; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nội thất điểm giao dịch, bảng biểu, kho tiền theo nhận diện thương hiệu của ngân hàng.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ đầu tư nâng cấp phần mềm, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị tin học, dự án chuyển đổi ngân hàng.

Ngày 24/4 tới đây, PGBank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình. Đại hội dự kiến sẽ thông qua các báo cáo đánh giá của HĐQT, BKS về kết quả hoạt động 2024, định hướng nhiệm kỳ 2025-2030; thông qua phương án tăng vốn và các nội dung khác.

Theo kế hoạch được HĐQT thông qua, năm 2025 ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 716 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm trước. Mục tiêu tổng tài sản năm 2025 tăng trưởng từ 15-20%.

Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 2%.

Bên cạnh đó, dự kiến tại kỳ đại hội lần này, PGBank cũng sẽ có biến động về nhân sự cấp cao khi bầu HĐQT nhiệm kỳ mới với nhiều gương mặt mới (hai trong số đó đến từ Tập đoàn Thành Công). "Ghế nóng" Chủ tịch HĐQT của ngân hàng sẽ tiếp tục đổi chủ khi cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều không xuất hiện trong danh sách đề cử thành viên HĐQT.

Diệp Bình

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ba-co-dong-lon-nhat-cua-pgbank-cung-giam-ty-le-so-huu.html