Ba cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi Hiệp định RCEP thực thi
Thời cơ để tiếp cận thương mại toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi Hiệp định RCEP được thực thi với 15 thành viên.
Kể từ ngày 2/6 vừa qua, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực tại Philippines, đồng nghĩa, Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện có hiệu lực đối với tất cả 15 thành viên. Kể từ khi được ký kết vào tháng 11 năm 2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, RCEP đã thúc đẩy thương mại - đầu tư trong và ngoài khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các nền kinh tế thành viên.
Là một thành viên của RCEP, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm trước đó (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD). Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 227,71 tỷ USD.
Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác của FedEx Việt Nam và Campuchia đánh giá: Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực với tất cả 15 thành viên sẽ giúp Việt Nam đạt được nhiều lợi ích hơn nữa, như tăng cường vị thế thương mại, mang đến những tác động tích cực để thúc đẩy nền kinh tế đất nước đi lên.
Cụ thể, theo bà Ee-Hui Tan, RCEP là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thứ 15 của Việt Nam, đồng thời cũng là FTA lớn nhất hiện nay, bao trùm một thị trường khổng lồ với ước tính 1/3 dân số toàn cầu, có cấu trúc thành viên đa dạng với 15 quốc gia và mang tiềm năng phát triển cao nhất. Theo lộ trình cam kết trong RCEP, các quốc gia thành viên sẽ cắt giảm thuế quan; mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; giảm bớt các rào cản thương mại, củng cố mối quan hệ kinh tế và thương mại trong khu vực. Khi tiềm năng từ RCEP được các quốc gia thành viên khai thác hợp lý, kim ngạch thương mại và đầu tư của châu Á cùng với các nước đối tác sẽ tăng nhanh, tạo ra tác động tích cực đến chuỗi giá trị của khu vực.
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra nếu biết khai thác triệt để các lợi ích do Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong môi trường đầu tư nhiều tiềm năng đi cùng với sự hỗ trợ hết mình của các chính sách, định hướng của Chính phủ Việt Nam.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp đáng kể vào bức tranh thương mại của Việt Nam, sẽ hưởng lợi khi RCEP mang đến các cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng. Ngoài việc cắt giảm thuế quan, RCEP còn cung cấp các biện pháp thuận lợi hóa hải quan, dỡ bỏ các rào cản thương mại để các doanh nghiệp này có thể mở rộng không gian phát triển tại thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi hóa đầu tư cạnh tranh, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng ngoại thương chung của quốc gia”- bà Ee-Hui Tan chỉ ra.
Cũng theo bà Ee-Hui Tan, có 3 lợi ích chính cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp SMEs của Việt Nam khi RCEP thực thi.
Thứ nhất, cải thiện hiệu quả thông quan hàng hóa nhờ thủ tục hải quan được tinh giản. RCEP đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp SMEs vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, do đó Hiệp định này tập trung thuận lợi hóa thương mại, giảm chi phí giao dịch sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua các biện pháp như: Kiểm tra trước khi giao hàng, xác định xuất xứ hàng hóa, xử lý trước khi hàng đến, xác định trước về mã số và trị giá hay Quản lý rủi ro, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và đẩy nhanh tốc độ thông quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng, cũng như chuỗi giá trị và sản xuất khu vực hiệu quả hơn.
Thứ hai, tạo đà tăng trưởng thương mại. Một lợi ích lớn của RCEP đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là các lịch trình loại bỏ thuế quan mà Hiệp định này đưa ra, tạo thuận lợi cho cả hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu với mức thuế quan hợp lý, dựa trên các cam kết cắt giảm thuế quan đã có và sẽ xóa bỏ khoảng 90% thuế nhập khẩu trong vòng 20 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức tăng thu nhập và thương mại cao nhất trong số các thành viên RCEP trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2035. Báo cáo của WB nêu cụ thể: Trong kịch bản tăng năng suất, gồm cả cú sốc về năng suất, thương mại sẽ là lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất, với xuất khẩu tăng 11,4% và nhập khẩu tăng 9,2%. Dự báo này càng làm nổi bật tác động tích cực mà RCEP dự kiến sẽ mang lại đối với các hoạt động thương mại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng dự đoán khi các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm nhờ RCEP, nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, cao nhất là dệt may (16,2%) và tiếp đến là may mặc (14,9%). Mức tăng trưởng này không chỉ mang lại động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng quy mô kinh doanh ra toàn cầu mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của Việt Nam.
Thứ ba, mở đường cho những cơ hội đầu tư xuyên biên giới. Việc cắt giảm thuế quan của RCEP mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang tìm cách mở rộng sự hiện diện trên thị trường thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Đầu tiên, doanh nghiệp SMEs có thể tối ưu chi phí sản xuất một cách hiệu quả bằng cách tiếp cận nguồn nguyên liệu thô có giá cả phải chăng hơn từ các nguồn cung quốc tế. Ngoài ra, các SMEs có thể định giá sản phẩm của họ cạnh tranh hơn khi tiếp cận thị trường nước ngoài trong bối cảnh lượng lớn số dòng thuế (từ 64%-82% số dòng thuế) được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, những lợi ích này cũng đi kèm với không ít thách thức liên quan đến tốc độ giao hàng xuyên biên giới cũng như sự phức tạp của mạng lưới vận tải quốc tế. Để khai thác tối đa tiềm năng phát triển thương mại trong khu vực, doanh nghiệp SMEs ở Việt Nam cần có sự hỗ trợ của một đối tác hậu cần xuyên biên giới chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Những đối tác này có thể giúp các doanh nghiệp SMEs tận dụng được những lợi ích do RCEP mang lại và xử lý các loại thuế, quy tắc xuất nhập khẩu phức tạp, hay rủi ro trong quá trình vận chuyển do các yếu tố bên ngoài. “Là tập đoàn vận chuyển hàng đầu trên thế giới, FedEx luôn tích cực hỗ trợ các SMEs tại Việt Nam thông qua việc tổ chức các hội thảo hay diễn đàn trực tuyến về phương pháp “mở khóa” thành công đối với các cơ hội đầu tư thương mại xuyên biên giới”- bà Ee-Hui Tan chia sẻ thêm.