Bà con phật tử ở Bến Lức nêu cao tinh thần 'Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội'

Những cây cầu bê tông nông thôn xây mới ở các xã của huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có sự đóng góp rất lớn của tăng ni, đồng bào phật tử. Nêu cao tinh thần 'Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội', bà con phật tử ở đây đã và đang chung sức để vùng quê ngày càng phát triển, đạt các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể…

Cách đây 3 tháng, xã Tân Hòa (huyện Bến Lức) đã đưa vào sử dụng 2 cây cầu giao thông nông thôn (tọa lạc tại ấp 1 và ấp 2) từ sự đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng của chư tăng và bà con phật tử.

Những cây cầu nối nhịp bờ vui

Hai cây cầu này giúp cho bà con nhân dân địa phương thuận lợi trong sinh hoạt và vận chuyển hàng hóa, nhất là trẻ em đến trường an toàn trong mùa mưa bão.

Trước đó hai năm, bà con phật tử cũng đóng góp kinh phí hơn 300 triệu đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Lục Hòa ở ấp 2, xã Tân Hòa có chiều dài 26m, rộng 3,3m.

Niềm vui của chư tăng và phật tử sau khi đóng góp và hoàn thành xây dựng cầu nông thôn ở Bến Lức.

Những cây cầu nông thôn mới xây từ sự chung sức của bà con phật tử đã mang lại niềm vui cho nhân dân và góp phần giúp cho xã Tân Hòa tiến tới đạt mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2023. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, ở xã này đã vận động xây dựng 11 cây cầu giao thông nông thôn với tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp kinh phí của các phật tử.

Hoặc như ở xã Tân Bửu (huyện Bến Lức) có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi đó, hệ thống kênh, rạch chằng chịt.

Để góp phần giúp xã này hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, thông qua “cầu nối” là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Bến Lức và tỉnh Long An, đã vận động tăng, ni, phật tử trong và ngoài huyện xây dựng 16 cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Cao, ở xã Tân Bửu chia sẻ: “Cầu được xây mới, chúng tôi rất vui. Giờ đây, người dân mỗi khi đi lại hay vận chuyển nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Mong rằng ngày càng có nhiều chương trình an sinh, xây dựng những cây cầu ý nghĩa, giúp cuộc sống chúng tôi tốt hơn”.

Hay như ở xã Bình Đức (huyện Bến Lức), vào tháng 7/2023 đã khởi công xây cầu Cầu Gia Vấn 2 (tại ấp 5) với kinh phí 455 triệu đồng từ sự hỗ trợ, đóng góp của quý phật tử trong và ngoài xã. Việc xây dựng cây cầu này được đánh giá là việc cấp thiết trong quá trình giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đảm bảo nâng cao đời sống nhân dân địa phương trong việc sản xuất, lao động, phục vụ quá trình sinh hoạt đi lại, học tập của học sinh.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, ở xã Bình Đức đã khánh thành cầu Ba Ràng tại ấp 5 từ kinh phí đóng góp của các phật tử. Về với Bình Đức hôm nay sẽ thấy sự đổi thay rõ rệt, đặc biệt là những cây cầu mới tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

Các chư tăng và phật tử ở Bến Lức nêu cao tinh thần “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bên cạnh đó, từ chỗ là một xã vùng xa của huyện Bến Lức có nhiều khó khăn, đến nay đường quê, ngõ xóm đến những tuyến đường trên địa bàn xã Bình Đức đã dần được bê tông hóa đã đáp ứng nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa và đi lại. Điều này có tham gia đóng góp tích cực của bà con phật tử trong và ngoài xã.

Không chỉ ở những xã nêu trên, thời gian qua Ban trị Giáo hội Phật giáo huyện Bến Lức đã vận động tích cực để các tăng ni, phật tử tham gia đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng những cây cầu và đường giao thông nông thôn ở các địa phương khác trong huyện.

Trong 5 năm trở lại đây, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện Bến Lức đã vận động tăng ni, đồng bào phật tử của huyện đóng góp vào công tác từ thiện xã hội với số tiền từ thiện trên 12 tỷ đồng.

Đại đức Thích An Ngôn, Phó Ban Trị sự Phật giáo huyện Bến Lức, cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác từ thiện xã hội tại các cơ sở trong huyện. Bên cạnh đó, Ban trị sự cũng tăng cường quản lý, điều hành các sinh hoạt từ thiện tại các cơ sở trong huyện.

Hiện nay toàn huyện Bến Lức có 30 cơ sở Tự Viện, Tịnh Xá Tịnh Thất, trong đó có 25 cơ sở thuộc Giáo Hội quản lý. Toàn huyện có 17 đạo tràng tu học, trong đó 4 đạo tràng bát quan trai, 11 đạo tràng niệm Phật, 3 đạo tràng trì chú và 2 lớp giáo lý.

Trong 5 năm qua, số lượng phật tử quy y tam bảo ở huyện là 3.731 vị, nhân dân tín ngưỡng khoảng 4.378 vị. Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện Bến Lức đã vận động tăng ni đồng bào Phật tử Huyện Bến Lức đóng góp vào công tác từ thiện xã hội với số tiền từ thiện trên 12 tỷ đồng.

Nêu cao tinh thần “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, Ban Trị Sự giáo hội Phật giáo huyện Bến Lức đã hướng dẫn tăng ni đồng, bào phật tử vừa hành đạo, vừa giúp đời, tu học, hành đạo đúng giới luật, giáo lễ của hiến chương tôn giáo, duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật.

Giáo hội Phật giáo huyện Bến Lức luôn xác định đúng vị trí và vị thế của mình trong lòng dân tộc, vừa tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, nhà tu hành, chức sắc, tín đồ Phật giáo trong tỉnh luôn đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Bến Lức ngày thêm khởi sắc.

Khởi sắc kinh tế tập thể

Sự khởi sắc đó có thể thấy rõ từ sự chuyển biến tích trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế tập thể với sự tham gia của bà con phật tử. Được xem là “thủ phủ” trồng chanh của tỉnh Long An, tình hình tiêu thụ chanh tại huyện Bến Lức từ đầu năm 2023 đến nay được cho là rất thuận lợi.

Khởi sắc kinh tế tập thể mang lại niềm vui cho người dân, phật tử ở “thủ phủ” trồng chanh huyện Bến Lức.

Phật tử Hồ Văn Đa (ở xã Tân Hòa, huyện Bến Lức) vui vẻ cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít sâu, bệnh nên chi phí sản xuất thấp, đặc biệt chanh bán có giá, nông dân rất phấn khởi, bình quân lợi nhuận trên 160 triệu đồng/ha”.

Nhắc đến kinh tế tập thể ở Bến Lức phải nhắc đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức là một trong những HTX đi đầu về ứng dụng cơ giới và khoa học kỹ thuật trong canh tác chanh có hiệu quả, hiện HTX trồng hơn 50ha chanh, trong đó có khoảng 17ha ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra HTX còn liên kết với nhiều nông hộ sản xuất, hàng năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hàng ngàn tấn chanh chất lượng cao.

Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, cho biết để tiêu thụ hết sản lượng chanh rất lớn như hiện nay và ổn định đầu ra, ổn định giá cả, sắp tới HTX này sẽ xây dựng nhà máy chế biến, phát triển các sản phẩm từ cây chanh.

Tính đến năm 2023, toàn huyện Bến Lức có 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 137 tổ hợp tác với 998 thành viên. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác với sự tham gia tích cực của bà con phật tử đã đóng vai trò quan trọng cho thành viên và nông dân giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với quá trình đô thị hóa của huyện.

Bên cạnh đó, huyện Bến Lức còn thực hiện đa dạng hóa công tác giảm nghèo như: Hỗ trợ nguồn vốn vay, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…nhằm tạo mọi điều kiện để hộ nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Một trong những cách làm hiệu quả của Bến Lức trong công tác giảm là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó ở từng gia đình, để từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân và bà con phật tử vươn lên.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/ba-con-phat-tu-o-ben-luc-neu-cao-tinh-than-dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-1094333.html