Bà Đào Hồng Lan bộc bạch việc 'người ngoài ngành' làm Bộ trưởng Y tế
'Với một người ngoài ngành về với Bộ thì quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề khó khăn gì, nằm ở đâu, ở quản lý nhà nước hay vấn đề thực thi để có giải pháp phù hợp' - tân Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ bên hành lang Quốc hội, chiều 21/10.
Tân Bộ trưởng Y tế cho biết, sau ba tháng làm quyền Bộ trưởng, bà xác định trong thời gian tới có nhiều việc phải làm. Để vượt qua thách thức mà ngành đang phải đối mặt, phải xác định được những nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là phải bảo vệ thành quả chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, làm sao để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Theo bà Lan, Bộ Y tế đã trình Chính phủ để trình Quốc hội tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật. Trong kỳ họp này sẽ trình cho ý kiến về Luật Khám chữa bệnh cũng sẽ được cho ý kiến để sửa căn cơ nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Luật Bảo hiểm y tế cũng rất quan trọng và Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu để mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, trên cơ sở nhận diện được vấn đề, bà Lan cho biết, Bộ Y tế đã tập trung nhiều giải pháp. Trong đó, trước mắt ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép lưu hành thuốc, các phương tiện kỹ thuật, vật tư… Bộ Y tế đã làm việc với các địa phương, có các văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.
Còn về lâu dài, phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc một cách căn cơ, để có hành lang pháp lý vững chắc giải quyết vấn đề.
“Vấn đề y đức, tinh thần phục vụ được ngành rất quan tâm. Chúng tôi tin tưởng với lòng tự trọng của y bác sĩ Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan.
Về vấn đề cán bộ y tế nghỉ việc, theo Bộ trưởng, đây là một hiện tượng đã xảy ra, vì sau một thời gian chống dịch kéo dài, nhân viên y tế đã có một thời gian dài làm việc, có nhiều người không có ngày nghỉ… Khi dịch cơ bản được kiểm soát thì nhiều người có áp lực, cũng có nhu cầu phải nghỉ ngơi. Bên cạnh đó còn do chế độ đãi ngộ, phụ cấp… chưa bảo đảm nhu cầu.
Để tập trung khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế cũng đang tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành đề xuất với Đảng, Quốc hội, Chính phủ cải thiện chế độ tiền lương cho nhân viên ngành Y tế. Trước mắt, Bộ sẽ trình Nghị định sửa đổi về phụ cấp đối với y tế dự phòng, y tế cơ sở. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, Bộ Y tế cũng sẽ có những đề xuất phù hợp.
“Có thể nói, khó khăn của ngành y tế nhiều và trên nhiều lĩnh vực. Với một người ngoài ngành về với Bộ thì quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề khó khăn gì, nằm ở đâu, ở quản lý nhà nước hay vấn đề thực thi để có giải pháp phù hợp.
Về chuyên môn, vừa qua chúng tôi rất tin tưởng đội ngũ lãnh đạo của bộ, cán bộ các cấp vụ, cục, lãnh đạo các bệnh viện, chuyên gia. Anh em có thể giúp tôi trong vấn đề chuyên môn. Còn về nhiệm vụ quản lý, tôi cùng với tập thể lãnh đạo bộ, đội ngũ cán bộ của ngành cố gắng tháo gỡ từng khó khăn.
Chúng tôi nghĩ, thời gian vừa qua chúng tôi không đơn độc, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ rất trách nhiệm với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban ngành hỗ trợ cho ngành y tế phục hồi và phát triển”, bà Lan chia sẻ.
Tân Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh, sức khỏe con người là vốn quý, không có thời đại nào lại không cần đội ngũ y - bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
“Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình. Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công, với quyết tâm cao nhất, tôi sẽ cùng với cán bộ, nhân viên ngành y tế; với sự đoàn kết của lãnh đạo Bộ, các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ. Chúng tôi tin tưởng được điều này”, bà Lan nói và cho biết thêm: “Chúng ta sống trong một thế giới luôn thay đổi thì các vấn đề sẽ luôn xuất hiện. Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới đây”.