Chính phủ yêu cầu sắp xếp bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Chính phủ giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết 18) và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ ngành, được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2024. Với nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành hoàn thành trong tháng 12-2024.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2024

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2024

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-11.

Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18) đã chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết 18 đã chỉ ra chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ.

Trước thực tế đó, thời gian qua, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Kết quả đến nay trong tổ chức bộ máy, Chính phủ cho biết tại các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành.

Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, được tiếp tục rà soát, sắp xếp lại. Tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị, còn 46.385 đơn vị.

Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" được đăng tải mới đây, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến yêu cầu khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.

Đồng thời, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 31-10 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh bộ máy hiện nay quá cồng kềnh, kìm hãm sự phát triển.

Theo Tổng Bí thư, cùng một việc nhưng liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, song không tìm được cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu thực trạng một số bộ ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, thậm chí tạo cơ chế xin - cho

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-phu-yeu-cau-sap-xep-bo-may-theo-huong-bo-da-nganh-da-linh-vuc-196241114102213666.htm