'Bà đỡ' cho đồng bào nghèo vùng 'phên dậu' vượt khó
Nhờ có đồng vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong (Nghệ An), mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách ở huyện biên giới này đã dần thoát nghèo, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Tuy vay vốn để phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tuyệt đại đa số đồng bào chấp hành nghiêm việc trả nợ đúng hạn cùng với việc giám sát, đôn đốc của các tổ ủy thác, của chính quyền và nhân viên ngân hàng nên tỷ lệ nợ xấu ở Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Phong luôn ở mức thấp.
Nhiều mô hình thoát nghèo
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện Quế Phong Đặng Xuân Huy cho biết: Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã kịp thời đến với các gia đình đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... Nhờ đó, họ đã chủ động đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.
Điển hình như gia đình anh Dương Văn Quỳnh, vốn là một hộ cận nghèo ở bản Long Quang, xã Tiền Phong (Quế Phong). Được sự hướng dẫn của tổ ủy thác vay vốn Hội Cựu chiến binh xã, năm 2020, anh Quỳnh mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Chương trình sản xuất kinh doanh để đầu tư chuồng trại, mua cặp bò sinh sản và đàn gà đen. Tiếp đó, anh Quỳnh được vay thêm 100 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm, đầu tư thêm 5 con bò sinh sản, và 20 con lợn thịt. Ngay lứa lợn đầu tiên, gia đình anh đã thu lời hơn 40 triệu đồng...
Với tinh thần “quyết thắng“ trên mặt trận đói nghèo, anh Quỳnh mạnh dạn làm nhà lưới để trồng dưa và tận dụng phụ phẩm trong vườn để gây dựng đàn gà đen... Sau 3 năm tần tảo, lấy ngắn nuôi dài, từ 150 triệu đồng tiền vốn ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh Quỳnh đã gây dựng được đàn bò 16 con cùng 40 con lợn thịt và đàn gà đen choai 200 con để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán sắp tới. Qua phát triển chăn nuôi và trồng trọt, gia đình anh Quỳnh có thu nhập ổn định, khoảng 120 triệu đồng/năm. Giờ đây, gia đình anh Quỳnh thuộc diện hộ khá giả nhất trong bản.
Trao đổi với chúng tôi, anh Quỳnh cho biết: “Gia đình chúng tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ vào đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong". Không chỉ lo cho mình, anh Quỳnh còn giúp các hộ khác trong bản về kỹ thuật chăn nuôi, cho vay con giống... để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Trước khi vay vốn thì hoàn cảnh của cặp vợ chồng trẻ Vi Thị Hồng ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong) cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là không có vốn để phát triển kinh tế. Thông qua tổ ủy thác vay vốn Đoàn thanh niên, năm 2021, gia đình chị Hồng được vay 50 triệu đồng từ Chương trình hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội để mua 2 con bò sinh sản và phát triển vườn đồi.
Nhận thấy tiềm năng về vườn đồi, gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng tiền vốn từ Chương trình giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên để mua thêm bò sinh sản và phát triển kinh tế trang trại như keo, quế. Gia đình còn kết hợp thêm chăn nuôi gà, ao cá và trồng thêm hàng nghìn cây chè hoa vàng dưới tán rừng... Tuy mới đầu tư, nhưng năm 2023, gia đình chị Hồng có thu nhập khoảng 80 triệu đồng, nên đã giúp gia đình vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo cuối năm 2023.
Tương tự, gia đình anh Lang Văn Mão, thuộc diện hộ nghèo ở bản Tục Pang, xã Đồng Văn. Năm 2020, gia đình anh Mão vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng thêm 17 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Nhờ đó, gia đình anh đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, gia đình anh Mão đã thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành hộ khá...
Đây là 3 trong số hơn 600 mô hình đồng bào thoát nghèo trong thời qua nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách hỗ trợ. Nhờ lãi suất ưu đãi mà họ tự tin phát huy tiềm năng đất rừng để phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần làm đổi mới bộ mặt bản làng ở huyện vùng cao Quế Phong. Các mô hình vượt khó làm kinh tế giỏi này đã trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, làm theo.
Giúp đồng bào vượt khó
Được sự quan tâm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An và Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện Quế Phong, Ngân hàng chính sách xã hội Quế phong đã tích cực phối hợp với hơn 260 tổ chức nhận ủy thác các cấp thực hiện tốt cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập của các gia đình trên địa bàn.
Giám đốc Ngân hàng chính sách, xã hội Quế Phong Nguyễn Khoa Văn cho biết: Tính đến 30/11, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt hơn 129 tỷ đồng với 2.923 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ lũy kế từ đầu năm hơn 67 tỷ đồng, tỷ lệ thu nợ bình quân đạt 90%. Tuy là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng đạt hơn 503 tỷ đồng, tăng hơn 62 tỷ đồng so với đầu năm; tốc độ tăng trưởng đạt 14%. Và dự kiến đến hết năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 15,3%.
Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Phong đã triển khai 20 chương trình vay vốn, với 9.797 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, thông qua nguồn vốn đã giúp cho hơn 6.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 600 hộ thoát nghèo cùng 1.729 gia đình gia đình chính được vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm kinh tế.
Ngân hàng còn giúp hơn 500 lao động vay vốn chương trình giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống tại địa phương; góp phần xóa hơn 2.000 ngôi nhà tạm bợ và đầu tư xây dựng hơn 3.000 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn. Nhờ các nguồn vốn còn giúp hơn 50 lao động đi xuất khẩu, 246 học sinh được mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến và giúp cho các lao động chấp hành xong án phạt tù có vốn làm ăn, làm lại cuộc đời...
Tuy vay vốn để phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tuyệt đại đa số đồng bào luôn có ý thức chấp hành nghiêm việc trả nợ đúng hạn. Các mẹ, các chị mỗi khi bán được con gà, buồng chuối, hay mớ cá đều tính toán, dành một phần tiền để trả vốn vay. Cùng với việc giám sát, đôn đốc của các tổ ủy thác, của chính quyền và nhân viên ngân hàng, nên tỷ lệ nợ xấu ở Ngân hàng Chính sách xã hội Quế Phong luôn ở mức thấp. Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/11 chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ, giảm 0,1% so với đầu năm.
Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong Bùi Văn Hiển cho biết: Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ngân hàng chính sách xã hội huyện với các tổ chức chính trị, xã hội lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương gắn với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã phát huy tối ưu nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nhờ đó, Quế Phong xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp trồng rừng keo, quế… cho thu nhập khá và ổn định; góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững cho đồng bào vùng sâu, vùng biên giới.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các Ban Xóa đói giảm nghèo địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, các phòng, ban liên quan phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tiếp tục triển khai bài bản việc tuyên truyền cũng như rà soát nhu cầu vốn ở cơ sở, để kịp thời phân bổ nguồn vốn cho vay. Đặc biệt, quan tâm rà soát các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay các hộ nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng sau lũ lụt..., Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong cho biết thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ba-do-cho-dong-bao-ngheo-vung-phen-dau-vuot-kho-post787172.html