Động lực tăng trưởng năm 2025 phụ thuộc đầu tư Nhà nước

Từ nay đến cuối năm, Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá, thu hút sự quan tâm lớn của dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Ngày 11-8, tại TPHCM diễn ra Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025), với chủ đề “Khai thông và bứt phá” do VietnamBiz tổ chức.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh thị trường quốc tế không quá lạc quan, động lực cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 sẽ đến từ các yếu tố nội tại mà nổi bật là đầu tư Nhà nước. Trong đó, các đại dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay các cải cách thể chế rất mới để cải thiện nội lực nền kinh tế, mở ra kỳ vọng tăng trưởng cho những năm tới.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB nhận định, trong năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khả quan một phần do dựa trên nền thấp của 2023. Bước sang 2025, xu hướng chung của thị trường thế giới là hạ nhiệt, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu có thể không duy trì được kết quả của 2024. Rất khó để trông chờ xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng trong năm tới.

“Trong khi đó, đầu tư Nhà nước còn nhiều dư địa tăng trưởng. Do đó, theo tôi, động lực tăng trưởng năm 2025 sẽ nằm trong tay Chính phủ, cụ thể là việc thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và giải ngân đầu tư công. Điều này có thể kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân tăng thêm”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, kỳ vọng yếu tố sẽ dẫn dắt tăng trưởng năm 2025 là cầu đầu tư. Trong đó, một phần từ đầu tư Nhà nước và phần khác là kỳ vọng đầu tư tư nhân cải thiện cùng với sự phục hồi kinh tế.

Theo ông Tú, để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng nhanh, kỳ vọng lớn nhất trong năm 2025 là các quyết sách mới, cách làm mới giúp đẩy tiền ra nhanh hơn qua các kênh đầu tư công, giảm bớt tiền của Kho bạc Nhà nước, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

“Điều đáng tiếc là chúng ta không thiếu tiền, nhưng khi nền kinh tế thiếu vốn thì lại không đưa tiền ra được. Giải ngân đầu tư công chậm, hơn 1 triệu tỷ trong Kho bạc Nhà nước vẫn nằm đó. Đó là một lãng phí. Có nhiều dự án hàng chục năm chưa xong, đó là lãng phí, và cái lãng phí đó còn hơn cả tham nhũng”, ông Tú nói.

Chia sẻ tại đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, Quốc hội đang họp, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng. Riêng tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 19 luật và nghị quyết mang tính quy phạm về phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng đang thảo luận cho ý kiến 12 dự án luật và nghị quyết khác. Việc cải cách thể chế hiện nay có điểm khác với giai đoạn trước.

Điểm thay đổi thứ nhất là Quốc hội đã họp bất thường để xây dựng thể chế đảm bảo tính kịp thời. Khi mà xã hội đòi hỏi, nhà đầu tư đòi hỏi và nền kinh tế đòi hỏi thì Quốc hội cũng không thể ngồi chờ đợi được.

Điểm thay đổi thứ hai là sử dụng nhiều hơn phương thức cải cách thể chế toàn diện, đồng bộ và giải quyết ngay. Cụ thể, liên quan đến xây dựng chương trình pháp luật, Quốc hội đã sửa cùng lúc nhiều luật có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, sửa đổi 2 đạo luật, có thể gọi là 1 luật sửa nhiều luật. Luật thứ nhất 1 luật sửa 8 luật gồm: chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế. Luật thứ 2 là 1 luật sửa 4 luật gồm: đầu tư, quy hoạch, PPP (đối tác công tư) và đấu thầu. Cách làm thể hiện quyết tâm cải cách thể chế kịp thời, toàn diện, đồng bộ, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc và cấp bách.

Điểm thứ ba là đưa Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn thời hạn 5 tháng.

Điểm khác cuối cùng, là Quốc hội sử dụng khái niệm “Nghị quyết thí điểm” để giải quyết những vấn đề cấp thiết, cấp bách chưa đủ cơ sở xây dựng thành luật. Cụ thể, Quốc hội đang xem xét nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tiếp theo là nghị quyết thí điểm về xử lý tài sản vụ án dân sự, hình sự…

NHUNG NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-luc-tang-truong-nam-2025-phu-thuoc-dau-tu-nha-nuoc-post767457.html