'Bà đỡ' mát tay của rùa biển
Đang ăn cơm thì chuông điện thoại reo, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng - Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch và Thủy sản Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), thành viên Tổ Cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã - vội vàng bắt máy. Người gọi thông báo: Rùa nở rồi, Sáng ơi!.
Anh Sáng bỏ bữa cơm, chạy thẳng ra bãi biển - nơi có những ổ trứng rùa (còn gọi là vích) đến ngày nở. Tới nơi, anh tận tay vớt từng chú rùa con ngoi lên mặt đất, giúp chúng nhanh chóng bơi ra biển. "Tôi có cảm giác hạnh phúc rất khó tả, bởi mình đang giúp hàng chục rùa con đón ánh mặt trời, về với biển khơi" - anh bày tỏ.
Bình Định có khoảng 134 km bờ biển, khí hậu thuận lợi cho rùa làm tổ đẻ trứng trong mùa sinh sản. Trước đây, rùa biển thường lên bãi cát các xã đảo và bán đảo thuộc TP Quy Nhơn như Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu đẻ trứng. Tuy nhiên, hiện nay, Nhơn Hải là nơi duy nhất ghi nhận rùa biển còn lên bờ đẻ trứng. Do đó, việc bảo tồn rùa biển được địa phương đặc biệt chú trọng.
Một trong những người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn rùa biển ở Bình Định là anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng. Anh được người dân địa phương xem là "bà đỡ" mát tay của rùa biển. Chỉ riêng năm 2021, trong 5 lượt rùa lên bãi biển Mũi Cồn, xã Nhơn Hải đẻ thì anh đã trực tiếp di dời, bảo vệ và "đỡ đẻ" thành công 3 ổ trứng, đưa hàng trăm rùa con xuống nước an toàn.
Nhớ lại lần đầu tiên "đỡ đẻ" cho rùa biển, anh Sáng cho biết khi người dân phát hiện một con khoảng 60 kg, dài 120 cm bò lên Mũi Cồn đẻ, anh lập tức đến nơi di dời ổ trứng vào khu vực an toàn. Lần đó, ổ trứng 98 quả nở được 67 rùa con. Tuy nhiên, 14 con đã chết ngạt trong quá trình ngoi lên mặt đất, chỉ còn 53 con được đưa về biển.
Từ đó, mỗi khi rùa nở là anh Sáng bằng mọi cách có mặt để giúp rùa con chào đời an toàn. "Có hôm chúng tôi "đỡ đẻ" cho rùa đến 1 giờ sáng mới trở về nhà" - anh cho biết.
Anh Sáng sinh ra trong gia đình nhiều đời làm ngư dân ở xã Nhơn Hải. Từ lúc lên 10 tuổi, anh đã theo cha đánh bắt thủy sản. Lớn lên, chứng kiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, môi trường biển ngày càng ô nhiễm, anh quyết tâm cùng cộng đồng gìn giữ sức sống cho vùng biển quê mình.
Năm 2007, anh Sáng tham gia nhóm quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Anh cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tuyên truyền để ngư dân không khai thác thủy sản bằng chất độc, thuốc nổ; triển khai các mô hình sinh kế nuôi mực, cá bớp... cho người dân.
Khi du lịch ở địa phương phát triển, nhiều du khách đến giẫm đạp, bẻ phá san hô, anh Sáng đề xuất thực hiện "Mô hình bè cảng bảo vệ san hô kết hợp du lịch xã Nhơn Hải". Sau đó, tổ bảo vệ rạn san hô Nhơn Hải được UBND xã thành lập, gồm 8 thành viên, do anh Sáng làm tổ trưởng. Tổ không chỉ trực canh 24/24 giờ trong mùa du lịch mà còn thường xuyên tổ chức lặn bắt sao biển gai, thu gom rác dưới đáy biển để bảo vệ, giúp san hô phát triển thuận lợi.
Theo bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, mô hình cộng đồng bảo vệ san hô để phát triển du lịch ở xã Nhơn Hải là sự gắn kết hợp lý giữa việc bảo tồn với lợi ích cộng đồng. Kết quả quan trắc năm 2022 cho thấy mật độ bao phủ san hô ở Nhơn Hải đã tăng từ 36% lên 44%, tạo nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, bổ sung nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ cảnh quan sinh thái để phát triển du lịch địa phương.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ba-do-mat-tay-cua-rua-bien-20230730211120557.htm