'Bà đỡ' mát tay giúp nhiều sinh viên Việt giành học bổng vào ĐH Harvard, Oxford
Từ một du học sinh ưu tú, Vũ Anh Phương xây dựng sự nghiệp vững chắc tại Mỹ rồi tiếp tục ươm mầm, chắp cánh cho hàng trăm bạn trẻ Việt hiện thực giấc mơ du học Mỹ.
Vũ Anh Phương (sinh năm 1994) tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Purdue, Mỹ – trường đại học danh tiếng top 10 thế giới khối ngành STEM. Thời học phổ thông, cựu nữ sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thấy nhiều bạn bè ở trường đi du học nhưng bản thân chưa bao giờ dám mơ tới. "Lực học của tôi khi ấy không quá xuất sắc, bố mẹ là công chức nhà nước, không đủ tài chính cho con đi du học nếu không có học bổng toàn phần", Phương kể.

Thạc sĩ Vũ Anh Phương.
Mãi đến khi vào đại học, bạn bè xung quanh lần lượt xuất ngoại, Phương mới thực sự được truyền cảm hứng và quyết tâm tìm cách để đi ra thế giới. Năm 21 tuổi, lần đầu tiên Phương đặt chân đến Mỹ nhờ học bổng trao đổi YSEALI kéo dài 5 tuần.
Một năm sau, cô tiếp tục nhận học bổng toàn phần cho một chương trình nghiên cứu khoa học 5 tháng ở Mỹ. Đến năm 23 tuổi, khi vẫn còn là sinh viên đại học, cô gái Việt đỗ chương trình học bổng tiến sĩ toàn phần (Research Assistantship) tại Đại học Purdue - cột mốc khiến Phương nhận ra bản thân có thể đi xa hơn rất nhiều so với những gì từng nghĩ.
“Với suất học bổng trợ lý nghiên cứu bậc tiến sĩ, tôi không chỉ được miễn toàn bộ học phí mà còn nhận hơn 600 triệu đồng mỗi năm tiền sinh hoạt phí – đúng nghĩa du học 0 đồng”, Phương kể lại.
Ban đầu, Phương theo đuổi chương trình tiến sĩ với mong muốn trở thành giảng viên đại học. Tuy nhiên, sau vài năm học tập và trải nghiệm thực tế tại Mỹ, cô gái năng động nhận ra bản thân phù hợp môi trường doanh nghiệp với tính thực tiễn cao. Vì thế, Phương quyết định bảo vệ khóa luận vào năm thứ ba, tốt nghiệp với bằng thạc sĩ loại xuất sắc tại Đại học Purdue và bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp tại công ty công nghệ sinh học ngay sau khi ra trường - tháng 5/2022.

Tháng 5/2022 Phương nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ khoa Thực vật học tại Đại học Purdue, Mỹ.
Ban ngày, Phương đi làm, tập trung phát triển chuyên môn. Buổi tối, cô trở về nhà, chăm sóc người thân và tận hưởng khoảnh khắc bên gia đình. Sau đó, nữ thạc sĩ dành thời gian phản hồi những thắc mắc, hỗ trợ các bạn học viên của Scholarship EZ – dự án giúp các bạn trẻ lên chiến lược săn học bổng toàn phần.
Cuối tuần, Phương sẽ dành thời gian tập trung để góp ý, chấm chữa hồ sơ, tổ chức các buổi video call định hướng chiến lược giúp các bạn làm chủ kiến thức, kỹ năng, tự tin trên hành trình chinh phục ước mơ “sải cánh” ra thế giới.
Qua hàng chục lần ứng tuyển và nhận về gần 10 học bổng, Phương nhận ra rằng việc trúng tuyển không chỉ dựa vào may mắn mà phải có chiến lược rõ ràng. Khi câu chuyện đỗ học bổng tiến sĩ của Phương được báo chí nhắc đến, cô nhận hàng chục tin nhắn từ các bạn có chung những băn khoăn tại sao điểm số cao, nhiều hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu từ người chức vụ cao vẫn bị trượt vào trường mơ ước.
Đó cũng là nguồn cảm hứng để Phương lập ra Scholarship EZ - trang thông tin giúp hệ thống hóa thông tin học bổng, chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển thành công. Cơ duyên trở thành người tư vấn du học Mỹ (mentor) cũng bắt đầu từ đó.
“Không phải vì các bạn không giỏi mà chỉ bởi vì không ai chỉ dẫn”, Phương chia sẻ.
Tính đến nay, sau 5 năm tư vấn, Phương giúp hơn 300 học sinh, sinh viên Việt Nam thành công chinh phục học bổng vào các đại học hàng đầu thế giới. Trong đó, 3 bạn đỗ thẳng tiến sĩ tại Mỹ ngay khi còn là sinh viên năm cuối, hai bạn giành học bổng thạc sĩ Luật tại Đại học Harvard và Oxford. Những lá thư báo đỗ liên tục, những lời cảm ơn từ học viên tiếp thêm động lực cho Phương mỗi ngày.
“Số lượng học viên nhận học bổng chính phủ Mỹ như YSEALI, Global Ugrad nhiều đến mức có những buổi chia sẻ ở Đại sứ quán Mỹ mà gần một nửa diễn giả là người từng được tôi hướng dẫn”, Phương cười tự hào nói.
Khi làm mentor, điều Phương luôn chú trọng không chỉ giúp học viên hoàn thiện bộ hồ sơ đẹp mà còn định hình tư duy, xây dựng nền tảng dài hạn cho hành trình học tập và phát triển sự nghiệp quốc tế.
Một trong những phương pháp mà Phương thấy hiệu quả nhất trong lớp học EZ Apply – hướng dẫn săn học bổng toàn phần, giúp học viên tiếp cận nhiều góc nhìn (perspectives) đến từ những người có chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau.
“Quan trọng hơn cả, hành trình với học viên không dừng lại ở việc nộp hồ sơ. Tôi luôn cố gắng giúp các bạn xác định hướng đi dài hạn: phù hợp với ngành gì, muốn tạo ra giá trị gì và cần chuẩn bị gì để không chỉ đỗ được, đi du học được mà còn trụ vững, phát triển ở môi trường quốc tế”, Phương nhấn mạnh.

Phương làm việc tại phòng thí nghiệm của tiến sĩ Jin-rong Xu, Đại học Purdue University tháng 4/2021.
Cô nàng đa tài cho rằng rào cản lớn nhất của nhiều ứng viên Việt không nằm ở năng lực mà ở sự thiếu thông tin chính xác và định hướng rõ ràng. Đặc biệt, nhiều bạn chưa thực sự hiểu sự khác biệt giữa cách hành văn của Việt Nam và phương Tây.
Với sự đồng hành của Phương trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và ứng tuyển, em Uyên Thư, sinh năm 2002 đỗ thẳng bậc tiến sĩ ngành Vi sinh tại Đại học Texas A&M ngay khi vừa mới tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Thư được Phương tư vấn ý tưởng và hỗ trợ chữa từ những bản nháp đầu tiên.
“Chị Phương là hình tượng em hướng tới trong tương lai. Chị cũng truyền cảm hứng giúp em thêm phần tin tưởng và tự hào về bản thân ở thời điểm hiện tại”, Thư chia sẻ.
Còn Vịnh An, sinh năm 1999, đỗ bậc thạc sĩ Đại học Luật Harvard ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành luật tại Việt Nam nhận xét, câu nói sâu sắc nhất của chị Phương “người đỗ học bổng không phải là người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất”.

Sắp tới, Anh Phương và chồng con sẽ dành trọn một năm để sống, cống hiến và kết nối sâu sắc hơn với quê hương Việt Nam.
Sau 6 năm xa nhà, Phương dự định cùng chồng cô – một người Mỹ và con trai, trở về Việt Nam thăm gia đình ngoại ở Hà Nội vào mùa hè năm nay. Phương cho biết, chồng cô sẽ giảng dạy tại một trường đại học trong nước, đúng với chuyên ngành Di truyền thực vật.
Với Phương, đưa con về Việt Nam không chỉ là một chuyến đi mà còn là hành trình để con cảm nhận văn hóa, ngôn ngữ và cội nguồn của mẹ.
“Tôi luôn tin, một người sống ở bất kỳ đâu trên thế giới, đi xa đến mấy cũng cần có một nơi chốn để trở về – và với tôi, đó chính là Việt Nam”, Phương bộc bạch.