Ba doanh nghiệp được hỏa tốc chỉ định thầu vận hành 5 tuyến buýt trợ giá Bắc Hà xin bỏ
Từ hôm nay, 1/8, Công ty Bắc Hà chính thức dừng vận hành 5 tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội do mất năng lực về tài chính.
Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với loạt tuyến buýt có trợ giá số 41, 42, 43, 44, 45 sau khi ngừng hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà từ hôm nay, 1/8.
Theo đó 3 đơn vị được chỉ định thầu gồm: Công ty CP Xe điện Hà Nội tuyến số 41 (Nghi Tàm - BX Giáp Bát), 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình), 45 (Times City - Nam Thăng Long); Công ty CP Xe khách Hà Nội tuyến số 42 (BX Giáp Bát - Đức Giang); Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân tuyến số 43 (Công viên Thống Nhất - Thị trấn Đông Anh).
Cả ba doanh nghiệp này sẽ tiếp tục vận hành 5 tuyến buýt mà Công ty Bắc Hà để lại bình thường từ hôm nay, 1/8. Như vậy, hành khách đi lại trên các tuyến buýt này bình thường, không bị gián đoạn.
Thông tin cụ thể về các gói thầu, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) cho biết, 5 tuyến buýt số 41,42, 43, 44, 45 có hợp đồng gói thầu là 5 năm (60 tháng).
Về giá trị tổng 5 tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng có giá trị hơn 298 tỷ đồng.
Giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7/2022, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ, chi phí vận hành hơn 172 tỷ, trợ giá hơn 130 tỷ.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có văn bản hỏa tốc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các khối lượng công việc còn lại của 5 gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (tuyến số 41, 42, 43, 44, 45) sau khi hoàn thành quyết định chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà.
Năm tuyến buýt này là tuyến buýt có trợ giá, do Công ty TNHH Bắc Hà vận hành. Tuy nhiên, mới đây, Công ty Bắc Hà đã có văn bản xin Hà Nội cho dừng thực hiện các tuyến buýt này do đã mất năng lực tài chính, các xe buýt đều là tài sản thế chấp ngân hàng, đến kỳ trả nợ nhưng không có tài chính để thanh toán.