Ba Đồn (Quảng Bình): Thu hút 11 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng
Ngày 11/7, UBND Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Báo Công Thương, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Đầu tư và Phát triển thị xã Ba Đồn năm 2020.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin và trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút đầu tư vào địa bàn thị xã Ba Đồn thời gian qua; Những tiềm năng, lợi thế của thị xã để từ đó đề xuất, đưa ra các gợi ý về công tác quy hoạch, phát triển thương mại - dịch vụ, lựa chọn kiểu đô thị phù hợp với các tiềm năng, lợi thế và những giải pháp về thu hút đầu tư vào Ba Đồn trong thời gian tới đạt hiệu quả cao.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Minh Thọ - Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: Sau 7 năm chia tách địa giới hành chính từ huyện Quảng Trạch thành thị xã Ba Đồn, hiện đạt được những kết quả như: GRDP trên địa bàn thị xã tăng trung bình 10,5% giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế chuyển đổi đúng hướng tương giá trị thương mại - dịch vụ - du lịch, chú trọng nâng cao hàm lượng công nghiệp, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của thị xã. Tuy nhiên, trong sự phát triển ấy vẫn còn những mặt chế định, việc thu hút đầu tư chưa nổi bật, số lượng nhà đầu tư quan tâm các dự án trọng điểm, động lực còn ít.
Trước những băn khoăn của địa phương, một số chuyên gia đã cho ý kiến, đề xuất giải pháp để thay đổi tình hình hiện tại trong công tác đầu tư, xây dựng dự án trọng điểm và khu đô thị... Ông Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng: Cùng với thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn là một trong hai đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Bình. Để phát triển kinh tế địa phương, Ba Đồn cần xác định rõ diện mạo đô thị, chức năng đô thị của mình là gì, từ đó có sự thu hút đầu tư phù hợp và khác biệt so với thành phố Đồng Hới. Bên cạnh đó, cần đặt đô thị Ba Đồn vào sự liên kết, phát triển chung của cả tỉnh, chứ không nên quá tách bạch.
Với một đô thị trẻ mà dân cư Ba Đồn chủ yếu làm nông nghiệp, GDP hàng năm ở mức 2000USD/người cho thấy còn chưa phù hợp. Chính quyền cần tính đến làm làm sao để tăng thu nhập cho dân cư; cùng đó, công nghiệp - thương mại phải phát triển hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Xây dựng Quảng Bình nêu quan điểm: Trên cơ sở quy hoạch đã được xác lập, việc đầu tư phát triển đô thị Ba Đồn cần hướng tới một đô thị hiện đại với dấu ấn không gian mở, chú trọng vào không gian xanh, cây xanh, mặt nước, tránh việc phát triển nóng theo kiểu đô thị nén. Xác định ngay và tuyệt đối tôn trọng trục chính không gian đô thị, từ đó thu hút đầu tư xây dựng các tuyến phố hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận: Quảng Bình những năm gần đây có sức hút lớn trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là những dự án khu đô thị, khu phức hợp và khu nghĩ dưỡng. Với lợi thế là quê hương di sản, tin rằng nhân dân Quảng Bình sẽ khai thác có hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và nâng cao đời sống gia đình.
Để thu hút đầu tư và phát triển bền vững, đặc biệt trong loại hình bất động sản, đề nghị chính quyền cần ban hành khung chính sách tối ưu; quan tâm và đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư khi đã đặt chân vào địa phương.
Hội môi giới Bất động sản Việt Nam sẽ hỗ trợ, mời gọi nhiều nhà đầu tư có năng lực trên cả nước, đến khảo sát và tìm hiểu Quảng Bình trong thời gian tới.
Tiếp nhận những ý kiến, đề xuất từ các đại biểu, ông Trương An Ninh - Bí thư Thị ủy Ba Đồn thừa nhận những điểm yếu của thị xã Ba Đồn hiện tại, đồng thời nêu rõ: Với sự cầu thị, thị xã Ba Đồn mong muốn nhận được sự đồng hành, giúp sức của các doanh nghiệp để xây dựng địa phương ngày càng khang trang. Thời gian tới, thị xã Ba Đồn sẽ tập trung khắc phục những nhược điểm, điều chỉnh hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đảm bảo khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương và tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư khi có nguyện vọng khảo sát.