Ba dự án cao tốc trọng điểm phân cấp cho địa phương thực hiện thế nào?

Các dự án cao tốc được phân cấp cho địa phương và Bộ GTVT theo từng dự án thành phần để thực hiện.

Đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cho biết, hiện việc phân cấp thực hiện 3 dự án cao tốc trọng điểm vừa được Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai đã được ấn định.

3 dự án cao tốc được Chính phủ yêu cầu khởi công trước ngày 30/6/2023 để đáp ứng lộ trình hoàn thành, đưa vào khai thác đã đặt ra - Ảnh minh họa

3 dự án cao tốc được Chính phủ yêu cầu khởi công trước ngày 30/6/2023 để đáp ứng lộ trình hoàn thành, đưa vào khai thác đã đặt ra - Ảnh minh họa

Cụ thể, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia làm 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) với chiều dài khoảng 16 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km (kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến kết nối cảng hàng không Long Thành) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 5.190 tỷ đồng.

Cũng được chia làm 3 dự án thành phần, dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa bàn địa phận tỉnh Khánh Hòa được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, có tính chất phức tạp về địa hình, nhiều công trình cầu (khoảng 27 cầu) và toàn bộ 3 hầm trên tuyến, phải xây dựng khung chính sách GPMB trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án thành phần này do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ đồng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án có nhiều dự án thành phần nhất (4 dự án thành phần)

Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km57+200) với chiều dài khoảng 57,2 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP Cần Thơ. Sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (Km57+200 - Km94+400) với chiều dài khoảng 37,2 km thuộc địa phận TP Cần Thơ do UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (Km94+400 - Km131+300) với chiều dài khoảng 36,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng.

Dự án thành phần 4 (Km131+300 - Km188+200) với chiều dài khoảng 56,9 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.

“Trên cơ sở phân giao thẩm quyền thưc hiện các dự án thành phần, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Riêng dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, lộ trình đặt ra cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/3-du-an-cao-toc-trong-diem-duoc-phan-cap-cho-dia-phuong-thuc-hien-nhu-nao-d560733.html