Ba dự luật then chốt định hình tương lai tiền điện tử tại Mỹ
Một số đạo luật quan trọng liên quan đến tài sản kỹ thuật số sẽ được bỏ phiếu tại Mỹ trong tuần này.

Đồng Bitcoin. Ảnh: Reuters/TTXVN
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá Bitcoin đã vượt mốc 120.000 USD. Đây là một cột mốc quan trọng đối với đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, diễn ra ngay trước tuần lễ mang tính bước ngoặt đối với ngành này.
Theo kênh Al Jazeera, từ ngày 14/7, Tuần lễ Tiền điện tử sẽ là thời gian mà Hạ viện Mỹ thảo luận ba dự luật thân thiện với ngành tiền điện tử, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại khung pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này. Đây là điều mà giới đầu tư tiền điện tử tại Mỹ đã chờ đợi từ lâu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lại quy định theo hướng có lợi cho ngành này, từ bỏ loạt vụ kiện nhằm vào các công ty tiền điện tử do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden (2021–2025) khởi xướng.
Kỳ vọng vào những động lực thuận lợi tiếp theo đã góp phần đẩy giá Bitcoin vốn đã tăng 29% từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 123.153,22 USD vào ngày 15/7. Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, bắt đầu được giao dịch vào tháng 1/2009 với mức giá chỉ 0,004 USD.
Đợt tăng giá này đã kích hoạt làn sóng tăng mạnh trên thị trường tiền mã hóa, khi Ether (loại token phổ biến thứ hai thế giới) đạt mức cao nhất trong năm tháng là 3.048,2 USD vào ngày 14/7.
Nhìn chung, theo dữ liệu của CoinMarketCap, tổng giá trị thị trường của toàn bộ ngành đã tăng lên khoảng 3.800 tỷ USD.
Tiền điện tử là một hình thức trao đổi tiền tệ cho phép người dùng không cần hệ thống ngân hàng trung ương và các phương thức thanh toán truyền thống.
Ba đạo luật quan trọng
Có ba dự luật chính được đưa ra trong Tuần lễ Tiền điện tử.
Đạo luật GENIUS (Guiding and Establishing National Innovation for US Stablecoins, tạm dịch: Định hướng và Thiết lập Đổi mới Quốc gia cho Stablecoin của Mỹ). Đạo luật này nhằm làm rõ thời điểm các tài sản kỹ thuật số như token được coi là chứng khoán hay hàng hóa, giúp các công ty khởi nghiệp tránh tình trạng mơ hồ pháp lý thông qua quy định rõ ràng. Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua.
Đạo luật Clarity (Đạo luật Minh bạch) sẽ ngăn các cơ quan liên bang lạm dụng phán quyết của tòa án để mở rộng quyền lực quản lý, khẳng định rằng Quốc hội chứ không phải tòa án là bên phân loại và giám sát cách thức quản lý tài sản điện tử.
Đạo luật Chống Giám sát bằng Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương cấm Cục Dự trữ Liên bang phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), với lập luận rằng điều này có thể tạo điều kiện theo dõi hoạt động tài chính của người dân Mỹ và đe dọa quyền riêng tư cá nhân.
Đây được xem là một bước ngoặt lớn đối với một ngành từng đe dọa rút khỏi Mỹ do môi trường pháp lý thù địch và cách quản lý hà khắc.
Các công ty tiền điện tử từ lâu đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính Mỹ như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) vì ban hành các quy định mâu thuẫn hoặc khó hiểu.
Ông Jag Kooner, lãnh đạo bộ phận phái sinh tại sàn giao dịch tiền mã hóa Bitfinex, nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn từng đứng ngoài cuộc do bất ổn pháp lý sẽ quay trở lại... ngay cả khi các dự luật chưa được thông qua”.
Các quyết định trong tuần này có thể giúp các công ty dễ dàng hơn trong ra mắt sản phẩm tài sản kỹ thuật số mới và giao dịch tiền điện tử.
Những ý kiến phản đối
Dự báo đảng Dân chủ sẽ đề xuất các sửa đổi đối với dự luật GENIUS và Clarity.
Một số người cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang nhượng bộ quá nhiều cho ngành tiền điện tử.
Ngày 9/7, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren đã bày tỏ quan ngại tại phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị thuộc Thượng viện: “Tôi lo ngại rằng điều mà các đồng nghiệp Cộng hòa của tôi đang hướng tới là một hình thức trợ cấp khác cho ngành này”.
Bà kêu gọi Quốc hội Mỹ cấm các quan chức công quyền kể cả ông Trump phát hành, hậu thuẫn hoặc kiếm lời từ các token tiền điện tử.
Bà Warren cũng cảnh báo rằng các quy định mới không nên tạo “cánh cửa sau” để phá vỡ các luật chứng khoán lâu đời, hoặc cho phép biến động của thị trường tiền điện tử lan sang hệ thống tài chính truyền thống.
Cuối cùng, bà nhấn mạnh rằng các quy định chống rửa tiền cần được áp dụng đối với ngành này. Người dùng tiền điện tử chỉ được xác định bằng địa chỉ ví có mã là chữ và số, chứ không phải tên thật, cho phép các đối tượng xấu che giấu nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp.
Chính quyền Tổng thống Biden từng áp dụng lập trường quản lý nghiêm khắc đối với tiền điện tử, coi đây là chứng khoán và áp dụng các quy định tương tự như đối với cổ phiếu và trái phiếu.
Tổng thống Trump quan tâm đến tiền điện tử như thế nào?
Từng hoài nghi tiền điện tử, nhưng ông Trump đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ lĩnh vực này trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, trở thành ứng viên tổng thống đầu tiên của một chính đảng lớn chấp nhận quyên góp bằng tiền điện tử.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, các nhà đầu tư tiền điện tử đã chi gần 250 triệu USD để hỗ trợ các chính trị gia ủng hộ tiền điện tử và loại bỏ những người phản đối.
Tháng 3 năm nay, ông Trump tuyên bố sẽ thành lập một quỹ dự trữ tiền điện tử bao gồm 5 loại tiền trong đó có Bitcoin và khẳng định sẽ biến Mỹ thành “thủ đô tiền điện tử của thế giới”.
Trong khi đó, công ty gia đình ông Trump đã tung ra một số đồng tiền “meme coin”, dạng tài sản nổi bật trong thời gian ngắn và lấy cảm hứng từ các trò đùa hoặc trào lưu trên mạng, như $Trump và $Melania.
Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích vì xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình ông trong lĩnh vực này. Ví dụ, Tổ chức Tài chính Tự do Thế giới (World Liberty Financial) là một nhóm tiền điện tử do ông Trump và các con trai hậu thuẫn trong năm 2024 và đã mang về cho ông 57 triệu USD.
Bên cạnh đó, Trump Media & Technology Group (công ty truyền thông của gia đình ông) cũng đã nộp hồ sơ lên SEC trong tháng 7 để xin phép thành lập quỹ ETF tiền điện tử “Crypto Blue-Chip”, bao gồm Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác.
Diễn biến tăng giá của Bitcoin từ sau khi ông Trump tái đắc cử
Nếu Bitcoin là một quốc gia, quy mô GDP của nó sẽ nằm trong top 10 toàn cầu, tương đương với các nền kinh tế như Brazil (2.170 tỷ USD) hoặc Canada (2.140 tỷ USD).
Kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11/2024, giá Bitcoin đã tăng 75%, từ mức khoảng 69.539 USD cuối ngày bầu cử lên mức cao kỷ lục hiện nay. Bitcoin lần đầu vượt mốc 100.000 USD vào tháng 12/2024.
Vào ngày 25/2, giá Bitcoin từng giảm xuống dưới 90.000 USD do lo ngại từ tuyên bố áp thuế của ông Trump đối với hàng loạt quốc gia và các ngành công nghiệp, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ sau tuyên bố về quỹ dự trữ tiền điện tử.
Đà tăng của Bitcoin diễn ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hệ quả từ chính sách thuế cao, lúc áp dụng lúc tạm dừng của ông Trump với các đối tác thương mại lớn, cùng với xung đột đang tiếp diễn tại Ukraine và Trung Đông.
Các nhà phân tích của Citibank viết trong một báo cáo tuần trước: “Bitcoin đã thể hiện sức chống chịu trong năm nay, phục hồi phù hợp với các biến động vĩ mô sau những thông báo về thuế quan”.