Cả gia đình 3 thế hệ sống trong ngôi nhà 6m2 giữa lòng Hà Nội, từng ngày trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi và gian tạp hóa nhỏ của bà giáo Phạm Thị Tuyết.
Ngôi nhà 5 tầng với diện tích chỉ 6m2 nằm ngay dưới con dốc ngõ 241 đường Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Tầng 1 là bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm và gian hàng nhỏ của bà Phạm Thị Tuyết (70 tuổi, từng là giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn tầng 2 trở lên nhà các phòng ngủ, phòng thờ và phòng chứa đồ.
Ba thế hệ có 4 thành viên trong gia đình bà gồm: Bà Tuyết, anh Nam con trai cả (bị tai biến từ năm 2014, mất khả năng lao động) và 2 cháu Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 2005) và Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 2007), đang còn đi học. Thương các cháu đang còn tuổi đi học nên bà Tuyết không bắt các cháu làm thêm để tập trung vào việc học, mai sau có công việc ổn định.
Bà Phạm Thị Tuyết cho biết: “Ban đầu gia đình tôi sinh sống rất bình thường, vẫn ở trong ngôi nhà diện tích 70m2. Tuy nhiên, biến cố ập đến, chồng tôi đi chở hàng, không may phanh gấp khiến 6 công nhân bốc vác bị hàng đè lên người. Để có tiền chi trả viện phí và bồi thường cho các nạn nhân, vợ chồng tôi đành phải bán ngôi nhà. Từ đó vợ chồng tôi phải chuyển xuống căn bếp 2 tầng chỉ 6m2 mà bố mẹ để lại, rồi chắp vá lại căn bếp từ 2 tầng xây lên 5 tầng lấy thêm diện tích để sinh hoạt và gia đình đã sống trong ngôi nhà 6m2 này từ năm 1999 đến nay”.
Cuộc sống dần quay lại bình thường, đến năm 2008, bà Tuyết về hưu, bà về mở gian hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán kiếm thêm thu nhập. Khi rảnh bà lại xin đi phục vụ và rửa bát cho các quán ăn. Tuy nhiên, năm 2019, tai họa lần nữa lại ập xuống, chồng bà phát hiện bị ung thư phổi, chưa đến 1 năm bệnh tật biến chuyển nhanh nên ông đã qua đời. Bà lúc đó dường như sụp đổ, nhưng nghĩ mình còn phải nuôi con trai và 2 cháu nhỏ nên bà cố vực lại tinh thần để sống.
Khách hàng đến với căn tạp hóa của bà là những người hàng xóm thân thích, họ đến mua để ủng hộ là chính. “Tôi bán hàng càng muộn thì càng đông khách, có những hôm nửa đêm khi đã đóng cửa nhưng vẫn có khách gọi cửa mua hàng. Để kiếm thêm thu nhập nên cứ có khách đến mua là tôi lại mở cửa để bán hàng”, bà Tuyết chia sẻ.
Căn bếp chật chội, ngay bên cạnh là nhà vệ sinh nên sinh hoạt của các thành viên trong gia đình rất khó khăn.
Cầu thang hẹp và thẳng đứng khiến việc di chuyển của các thành viên trong gia đình cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện, em Nguyễn Trung Hiếu, 17 tuổi, học lớp 12 trường THPT Hoàng Cầu, đam mê ngành Công nghệ thông tin nên em có dự định thi vào trường Đại học Công nghệ. Còn em Trang đang theo học lớp 10 tại trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội, vừa học vừa làm, để sau tốt nghiệp, sẽ có một công việc ổn định.
Đối với anh Nam, anh chỉ mong hai con cố gắng học tập ngoan ngoãn, chăm chỉ và bệnh tình của mình có tiến triển tốt để tìm được công việc gì đó trang trải cuộc sống.
Cuộc sống dù có nghèo về vật chất nhưng bà Tuyết không để con trai và hai cháu phải nghèo khó về tình yêu thương. “Vài năm nữa, khi hai đứa trẻ lớn lên tự lo được cuộc sống riêng, nếu phải ra đi, tôi cũng không còn điều gì ân hận", bà Tuyết nói.