Bà Harris điện đàm với nhiều lãnh đạo thế giới, thể hiện vai trò đối ngoại
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có nhiều cuộc gọi với các nhà lãnh đạo nước ngoài trong thời gian gần đây, độc lập với Tổng thống Biden.
Hôm 9/3, bà Harris điện đàm với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, thông qua đó “khẳng định cam kết của bà về thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Na Uy và Mỹ”.
“Phó Tổng thống cảm ơn Thủ tướng vì mối quan hệ đối tác an ninh gần gũi của Na Uy với Hoa Kỳ và những đóng góp hào phóng cho sự phát triển cùng với nỗ lực an ninh y tế trên toàn thế giới”, thông tin chính thức về cuộc gọi cho biết.
Theo Fox News, bà Harris trước đó đã điện đàm riêng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, không lâu sau khi Tổng thống Biden cũng điện đàm với các lãnh đạo Pháp và Canada.
Chỉ sau gần 2 tháng nhậm chức, các cuộc gọi riêng của bà Harris với các nhà lãnh đạo thế giới cho thấy bà sẽ tham gia sâu vào lĩnh vực đối ngoại, dù các kinh nghiệm trước đó của Phó Tổng thống chủ yếu là đối nội. Các lãnh đạo trên thế giới có thể nhìn nhận Phó Tổng thống như người kế nhiệm của ông Biden và nóng lòng muốn xây dựng mối quan hệ.
Không chỉ điện đàm với ít nhất 6 lãnh đạo thế giới, một con số được xem là lớn đối với phó tổng thống mới, bà Harris còn phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tham gia các cuộc thảo luận về cách phản ứng với những cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq, cũng như việc trừng phạt Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman liên quan đến vụ nhà báo Washington Post bị sát hại.
“Bà cũng ở trong nhóm nhỏ hai lần gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley để bàn luận về các lựa chọn”, theo một quan chức Nhà Trắng. “Bà đã thực sự tập trung vào câu hỏi làm thế nào để có được một biện pháp răn đe trong khi kiểm soát sự leo thang tình hình”.
Harris cũng “ở trong phòng tình huống khi quyết định cuối cùng được đưa ra, và bà đã góp phần làm rõ tình huống”, quan chức giấu tên nói.
“Bà sẽ được mọi người nhìn nhận như một tổng thống tương lai tiềm năng”, một đại sứ châu Âu nói với Politico hồi tháng 2. “Hơn rất nhiều so với những chính quyền tổng thống trước”.
Phó Tổng thống Harris cũng đã tham gia các cuộc gặp song phương như cuộc gặp giữa Mỹ với Canada, cơ hội mà ông Biden không có được khi ông ở vị trí Phó Tổng thống.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để biết liệu ông Biden có tin tưởng và chính thức giao cho bà Harris một hồ sơ an ninh quốc gia cụ thể nào hay không, như ông Obama từng giao cho Biden một số vấn đề liên quan đến Iraq, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc chính sách đối ngoại sẽ do phó tổng thống chi phối nhiều hay ít phụ thuộc vào ưu tiên của chính tổng thống cũng như các diễn biến toàn cầu, và thường xuyên nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, theo các trợ lý Nhà Trắng cấp cao.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Mike Pence cũng thỉnh thoảng điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài. Nhưng ông Trump thích trực tiếp gọi cho họ hơn. Trong năm cuối cùng tại nhiệm, ông Pence không nói chuyện điện thoại với lãnh đạo nước ngoài nào. Còn trong năm 2019 ông đã điện đàm với Thủ tướng Canada Trudeau, Tổng thống Ukraine và Colombia. Năm 2018, ông nói chuyện với Thủ tướng Iraq và Tổng thống Colombia lần đầu tiên. Năm 2017, ông nói chuyện với Tổng thống Argentina và Australia.
Dưới chính quyền cựu Tổng thống Obama, ông Biden là Phó Tổng thống và thường giữ vai trò đại sứ cho tổng thống ở nước ngoài nhờ vào kinh nghiệm lâu năm tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông đã đi đến hơn 50 quốc gia trong suốt nhiệm kỳ Obama.
Trước Biden, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney là người được nhắc đến trong việc hình thành các ưu tiên chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống George W.Bush.