Bà Harris muốn 'sang trang mới'

Bà Harris hôm 29/8 khẳng định giá trị của bản thân nguyên vẹn, song thời gian làm phó tổng thống Mỹ mang lại góc nhìn mới, giải thích lý do bà thay đổi lập trường trong một số vấn đề.

Kamala Harris cùng “phó tướng” Tim Walz ngày 29/8 đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên trên cương vị ứng viên đảng Dân chủ. Cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN đã cung cấp góc nhìn rõ nét hơn về lập trường cũng như kế hoạch của bà Harris nếu chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Giá trị không thay đổi

Với câu hỏi mô tả các mục tiêu trong ngày đầu giành chiến thắng, bà Harris không nêu cụ thể, như ký các lệnh hành pháp. Thay vào đó, bà nhắc lại trọng tâm là củng cố nền kinh tế Mỹ.

“Trước hết, một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là làm những gì có thể để hỗ trợ và củng cố nền kinh tế”, phó tổng thống Mỹ nói.

Trong giai đoạn hậu Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, bà Harris đang đối mặt với sự soi xét về thành tích và yêu cầu cụ thể hóa những cam kết về cách điều hành đất nước với cử tri Mỹ. Bà cũng chịu áp lực phải giải thích chi tiết hơn về các lập trường chính sách trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp.

Chiến dịch tranh cử của phó tổng thống nổi lên vào phút chót, nên vốn không được thúc đẩy bởi các đề xuất chi tiết hay tài liệu chính sách, mà bởi sự ủng hộ từ các đảng viên Dân chủ do cuộc bầu cử trở nên cạnh tranh hơn.

Phóng viên Dana Bash đã đề cập tới việc bà đảo ngược quan điểm khai thác khí đá phiến và phi hình sự hóa các hoạt động vượt biên trái phép. Bà Harris cho rằng dù có thay đổi, các giá trị của bản thân bà vẫn giữ nguyên theo thời gian.

“Các giá trị của tôi không thay đổi, đó là khía cạnh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong quan điểm và quyết định trong chính sách với tôi”, bà nói. “Bà đã đề cập đến Gói tăng trưởng xanh mới (Green New Deal). Tôi luôn tin tưởng cuộc khủng hoảng khí hậu đang hiện hữu, đó là vấn đề cấp bách, chúng ta nên nhìn vào số liệu và đặt ra giới hạn”.

 Bà Kamala Harris ngày 29/8 đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên trên cương vị ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: CNN.

Bà Kamala Harris ngày 29/8 đã thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên trên cương vị ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: CNN.

Bà Harris nhắc tới Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền ông Biden như một thành tựu. Đây là đạo luật cung cấp các khoản đầu tư kỷ lục vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

"Ví dụ, chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu cho Mỹ, và nhìn rộng hơn là cho toàn cầu, về thời điểm chúng ta nên đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định để giảm phát thải khí nhà kính. Giá trị đó vẫn không thay đổi", bà nhấn mạnh. “Tôi cho rằng chúng ta có thể phát triển và thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch mà không cần cấm khai thác đá phiến”.

Bà cũng chỉ ra thành tích khi còn làm tổng chưởng lý California, khi bà truy tố các băng đảng bị cáo buộc buôn bán xuyên biên giới.

“Các giá trị của tôi không thay đổi. Thực tế là vậy. Một trong những khía cạnh trong bốn năm làm phó tổng thống là đi khắp đất nước”, bà nói, chỉ ra 17 lần đến Georgia trong 4 năm qua. “Điều quan trọng là phải xây dựng sự đồng thuận và tìm ra một điểm chung để có thể thực sự giải quyết vấn đề”.

Chiến dịch tranh cử của phó tổng thống sau đó cho biết bà Harris không tiếp tục ủng hộ Green New Deal - một đề xuất nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2019.

Trong khi đó, trong một sự kiện hồi tháng 9/2019, phóng viên đã hỏi liệu bà có cam kết thực hiện lệnh cấm liên bang với hoạt động khai thác khí đá phiến vào ngày đầu tiên nhậm chức không.

"Tất nhiên rồi, tôi ủng hộ cấm khai thác khí đá phiến và sẵn sàng làm ngay vào ngày đầu tiên với khu đất công”, bà Harris nói vào thời điểm đó. Sau khi trở thành ứng viên phó tổng thống của ông Joe Biden, bà từ bỏ lập trường và thậm chí còn bỏ phiếu mở rộng hợp đồng khai thác khí đá phiến.

Ý định bổ nhiệm một đảng viên Cộng hòa vào nội các

Phỏng vấn chung đã trở thành truyền thống của các ứng viên tổng thống trong những tuần đầu thành lập liên minh. Ngồi cùng bà Harris, ông Walz cho biết mình rất hào hứng với “ý tưởng truyền cảm hứng cho nước Mỹ hướng tới những gì có thể”.

Ông cũng đáp trả những cáo buộc cho rằng ông che giấu một số khía cạnh trong lý lịch quá khứ, như nghĩa vụ quân sự hay quãng thời gian khó khăn của gia đình. Vị thống đốc cho rằng ông có thể đã dùng từ chưa chuẩn xác, nhưng “chắc chắn sẽ thừa nhận nếu phạm sai lầm”.

Tuy nhiên, ông phản đối việc đảng Cộng hòa nhắm vào gia đình mình: “Ngoài việc này, tôi sẽ không chấp nhận con cái hoặc thú cưng của mình bị công kích”.

 Phỏng vấn chung đã trở thành truyền thống của các ứng viên tổng thống Mỹ trong những tuần đầu thành lập liên minh. Ảnh: CNN.

Phỏng vấn chung đã trở thành truyền thống của các ứng viên tổng thống Mỹ trong những tuần đầu thành lập liên minh. Ảnh: CNN.

Nền kinh tế vẫn là điểm yếu của đảng Dân chủ về mặt chính trị. Các cuộc thăm dò cho thấy nhiều cử tri tin tưởng ông Donald Trump sẽ chèo lái nền kinh tế và xử lý khủng hoảng.

Đầu tháng 8, bà Harris đã vạch ra chính sách kinh tế tập trung vào giảm chi phí thực phẩm, nhà ở và chăm sóc trẻ em. Các đề xuất thể hiện nỗ lực ngăn chặn tình trạng tăng giá và đẩy mạnh xây dựng nhà ở giá rẻ.

Dù không hoàn toàn khác biệt so với các chính sách của chính quyền ông Biden, bà Harris đã chọn truyền tải thông điệp về khả năng chi trả, thay vì tạo việc làm hoặc tăng sản xuất như tổng thống Mỹ.

Khi phóng viên Bash hỏi sao bà không thực hiện những đề xuất này trong 3,5 năm qua, phó tổng thống nói: “Chúng ta phải phục hồi kinh tế và chúng ta đã làm được điều đó”, liệt kê nỗ lực kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi phí thuốc theo toa và cắt giảm thuế cho các hộ gia đình.

Về vấn đề Trung Đông, bà Harris dường như không có sự khác biệt về đề xuất chính sách so với ông Biden, bao gồm cả hạn chế bán vũ khí cho Israel. “Chúng ta phải đạt được thỏa thuận. Cuộc chiến này phải kết thúc”, bà nói.

Bà Harris mô tả ông Biden “cực kỳ mạnh mẽ” trong những ngày sau màn tranh luận được đánh giá là tồi tệ hồi tháng 6, đồng thời ca ngợi tính cách và năng lực của tổng thống.

Cuộc phỏng vấn cũng là lần đầu tiên bà Harris kể về thời điểm ông Biden quyết định rút lui sau nhiều tuần chịu áp lực. Đó là một ngày chủ nhật vào tháng 7, bà Harris đang ở nhà làm bánh kếp và thịt xông khói cho các cháu gái thì điện thoại reo.

“Joe Biden gọi, và ông ấy đã nói về quyết định đó. ‘Ông có chắc không?’, tôi hỏi, và ông ấy đáp: ‘Có’”, bà nhớ lại. “Nói thật, suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu không phải là về tôi, mà là về ông ấy”.

Bà cũng cam kết sẽ trở thành tổng thống vì “tất cả người Mỹ”, đồng thời sẽ bổ nhiệm một thành viên đảng Cộng hòa vào nội các nếu được bầu, nhưng chưa nghĩ ra cái tên cụ thể nào.

Quyết định này sẽ làm sống lại truyền thống trong nhiều thập niên qua, khi các tổng thống sẽ bổ nhiệm ít nhất một thành viên của đảng đối lập vào nội các. Điều này không được ông Trump hay ông Biden thực hiện trong 8 năm qua.

“Tôi đã dành cả sự nghiệp để kêu gọi cho các ý kiến đa dạng khác nhau. Cần có nhiều người, với quan điểm, trải nghiệm khác nhau, cùng tham gia bàn thảo trong một số quyết định quan trọng. Người Mỹ sẽ được hưởng lợi khi có một thành viên nội các là đảng viên Cộng hòa”, phó tổng thống nói.

Vốn là người hiếm khi thảo luận về việc phá vỡ rào cản trên con đường vận động tranh cử, bà Harris thừa nhận có những khoảnh khắc bà cảm nhận được sức nặng của lịch sử, trong đó có hình ảnh cháu gái chăm chú nghe bà phát biểu tại Đại hội vào tuần trước.

“Tôi tranh cử vì tôi tin mình là người giỏi nhất có thể phục vụ người Mỹ vào thời điểm này, bất kể chủng tộc và giới tính”, bà nói. “Nhưng khi xem bức ảnh đó, tôi rất xúc động”.

Và bà đã gạt phăng lời công kích về chủng tộc của đối thủ, khi ông Trump cho rằng bà “bất ngờ chuyển sang da đen”. "Vẫn là vở kịch cũ rích, nhàm chán", bà nói. "Mời câu hỏi tiếp theo".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-harris-muon-sang-trang-moi-post1494898.html