Ba huyện ngoại thành TPHCM được thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp
Các công trình làm trên đất nông nghiệp như chòi canh, nhà giữ vườn được lắp dựng bằng gỗ, tranh, tre, nứa... diện tích không quá 15 m2. Còn công trình xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp có quy mô phải được huyện chấp thuận phù hợp với phương án sản xuất.
Ngày 28-9, Văn phòng UBND TPHCM thông báo, thành phố đã có hướng dẫn việc thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Theo hướng dẫn, các công trình người dân được xây dựng trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp gồm các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng phục vụ cho cây trồng, vật nuôi, mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất;
Đối với các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở, được lắp dựng bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với diện tích không quá 15 m2. Khi làm các các công trình này người dân không phải xin giấy phép nhưng phải thông báo đến chính quyền xã.
Đối với công trình xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp có quy mô cấp IV (1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000 m2, chiều cao công trình dưới 6 mét) phải được chính quyền huyện cho phép về quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp.
Về quy mô, chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5%). Khi có nhu cầu thay đổi công năng sử dụng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, người sử dụng đất phải có văn bản thông báo đến UBND cấp huyện để được xem xét có ý kiến chấp thuận hay không bằng văn bản.
Việc thí điểm xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp sẽ thực hiện trong thời gian là 3 năm.
Hiện nay, tại vùng nông thôn ở các Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè của TPHCM, nhiều nông dân, hợp tác xã có nhu cầu xây dựng các công trình như, nhà lưới, chuồng, trại chăn nuôi, nhà kho để vật tư, nhà sơ chế sản phẩm… Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với đất phi nông nghiệp nên người dân và hợp tác xã không được phép xây dựng.
Việc TPHCM cho phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp được kỳ vọng mở ra hướng đi theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu không quản lý chặt chẽ các đầu nậu lợi dụng để xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở các huyện vùng ven.
Lê Anh