Ba huyện ở TPHCM lên thẳng thành phố: Không dễ

Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ muốn phát triển thẳng lên thành phố trực thuộc TPHCM mà không lên quận để phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Bỏ qua quận, lên thẳng thành phố

Theo Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 do UBND TPHCM vừa ban hành, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố trước năm 2025; riêng huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố giai đoạn 2025-2030.

Đánh giá của Sở Nội vụ TPHCM cho thấy, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu ở vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Những năm qua, các địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.

Để xác định một huyện lên quận hoặc thành phố, UBND TPHCM đưa ra tới 30 tiêu chí đánh giá sơ bộ như trình độ phát triển kinh tế - xã hội, dân số, diện tích, hạ tầng… Hiện tại, so với 30 tiêu chí của cấp quận hoặc thành phố, huyện Hóc Môn mới đạt 23/30 tiêu chí, Bình Chánh 26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30 và huyện Cần Giờ 19/30.

Khi lên thành phố, cơ hội sở hữu nhà ở của nhiều người dân càng xa vời vì giá đất sẽ bị đẩy lên cao

Khi lên thành phố, cơ hội sở hữu nhà ở của nhiều người dân càng xa vời vì giá đất sẽ bị đẩy lên cao

Trong 5 huyện ngoại thành, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận nhất với 26/30. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, cho biết, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Chánh nên huyện đặt mục tiêu chuyển lên thành phố vào năm 2025. Bình Chánh có diện tích rộng thứ 3 của TPHCM, chỉ sau Cần Giờ và Củ Chi. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa không đều.

Để thực hiện mục tiêu lên thành phố, ông Nam cho rằng, huyện cần đổi mới phương thức quản lý, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên. Địa phương sẽ tập trung giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt lĩnh vực nhà đất...

Về lộ trình triển khai, Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư 4 năm tới, ước tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học... khoảng 44.000 tỷ đồng. Để huy động nguồn lực này, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Trong khi đó, nói về định hướng phát triển của Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quyết Thắng cho biết, địa phương này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, là thành phố trực thuộc TPHCM, chứ không lên quận. Lên thành phố, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Địa phương này có nguồn lực đất đai kết hợp nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều huyện ở TPHCM muốn lên thẳng quận nhưng hạ tầng giao thông kém phát triển

Nhiều huyện ở TPHCM muốn lên thẳng quận nhưng hạ tầng giao thông kém phát triển

Một lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, việc đưa 5 huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM nhằm thực hiện chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM sẽ ưu tiên ngân sách tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...

Nhiều rào cản

Dù định hướng đưa huyện Củ Chi lên thành phố nhưng ông Nguyễn Quyết Thắng cũng thừa nhận, hạ tầng giao thông kém phát triển. Các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... đã quá tải, kém an toàn. Quy hoạch giao thông của Củ Chi cần tính toán lại.

Ngoài ra, hạ tầng của huyện Củ Chi phát triển không đảm bảo, huyện dù có nhiều khu công nghiệp nhưng hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.

Bên cạnh hạ tầng giao thông kém phát triển, công tác quản lý đất đai có một số vấn đề là một trong những điểm nghẽn trong thu hút nhà đầu tư. Huyện đang cố gắng khắc phục, phải hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền nhỏ lẻ, không kết nối với các hạ tầng kỹ thuật, tạo ra những khu dân cư nhếch nhác.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, trong vấn đề huyện lên thành phố, phía được lợi lớn nhất không phải người dân mà là những dự án địa ốc. Khi lên thành phố, dự án ở đây tăng giá, cơ hội sở hữu nhà cửa của người dân càng xa vời.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) cho biết, các thành phố trực thuộc Trung ương đang có cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị, nên trong thành phố có thành phố trực thuộc là chuyện bình thường.

Ngoài TP Thủ Đức, TPHCM cũng có thể thành lập thành phố Tây Bắc gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn để khai thác quỹ đất nông nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là điều cần thiết để giãn dân.

“Tuy nhiên, thành phố có những tiêu chí khác với quận, mà khi trở thành thành phố, thành phố đó hoàn toàn có thể chủ động được các định hướng chỉ tiêu, mức độ đô thị hóa riêng, phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị. Nếu không làm được như vậy sẽ có tác dụng ngược khi gom các quận, huyện vào chung một chỗ sẽ tạo ra một bộ máy cồng kềnh, chậm chạp”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng nói rằng, để các thành phố trực thuộc này phát huy tác dụng, cần một cơ chế lớn nhất, cơ chế đặc thù, vượt trội để thu hút đầu tư hạ tầng, khai thác các quỹ đất, phát triển y tế, giáo dục... tương xứng. Đơn giản như việc cấp sổ đỏ cho người dân và doanh nghiệp, có thể phân quyền cho nơi đây được tự cấp mà không cần phải thông qua Sở TN&MT.

Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đang có xu hướng các huyện muốn lên thành phố vì dễ hơn lên quận. Nhưng với một địa phương chưa đủ điều kiện lên quận thì không nên lên thành phố. Tất cả địa phương trở thành quận sẽ đẩy nhanh phát triển đô thị, chưa chắc là tốt với TPHCM. Các huyện lên quận hay thành phố đều vội vã bê tông hóa sẽ tác động đến môi trường.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng, nếu không giải quyết được bài toán quy hoạch thì các huyện khó mà lên quận hoặc thành phố. Từng làm Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, ông Quân cho biết, năm 2020, khi xác định lộ trình đưa huyện lên quận, cần khoảng 10 năm vì hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều vấn đề phải làm.

Do đó, việc xác định lộ trình và nguồn lực đầu tư cần cân nhắc kỹ để tránh tình trạng chính quyền chưa làm được nhiều nhưng giá đất trong dân tăng, ảnh hưởng đến việc bồi thường khi thực hiện công trình phúc lợi, dự án thương mại.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ba-huyen-o-tphcm-len-thang-thanh-pho-khong-de-post1421721.tpo