Ba không khi ăn hải sản
Để tránh nguy cơ mắc hoặc làm bệnh gout trầm trọng hơn, mọi người không nên dùng nhiều hải sản cùng lúc với bia. Ngoài ra, bạn cũng không ăn tôm, cua, cá sống hoặc đã chế biến để quá 3 ngày.
Hải sản được rất nhiều người ưa chuộng do đa dạng về chủng loại, có thể chế biến không ít món ăn ngon. Tuy nhiên, việc bảo quản, chế biến loại thực phẩm này không đơn giản. Ngoài ra, một số loại tôm, cua, cá còn chứa quá nhiều đạm, purin và chất độc hại.
Dưới đây là một số lưu ý khi ăn hải sản:
Không ăn nhiều hải sản cùng với bia
Các bữa ăn kết hợp hải sản và bia là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh gout do cả hai loại thực phẩm đều chứa nhiều purin. Việc hấp thụ quá mức purin khiến thận quá tải, không đào thải hết sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa purin, từ đó làm tăng axit uric. Theo Hiệp hội Viêm khớp Mỹ, nồng độ axit uric quá cao gây ra bệnh gout (còn gọi là gút hay thống phong).
Đây là một dạng viêm khớp khiến người bệnh thường phải chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối kèm theo sưng đỏ. Một số trường hợp nặng thậm chí không đi lại được.
Không ăn hải sản đã nấu sau 3 ngày
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, món cá an toàn tối đa trong vòng 3 ngày sau khi chế biến chín. Ngoài ra, trước khi nấu, cá phải có chất lượng cao như mới đánh bắt, không có mùi hôi. Ngoài ra, bạn cần để cá trong tủ lạnh.
Theo Eating Well, tôm nấu chín cũng chỉ để được trong tủ lạnh 3-4 ngày. Nếu cần hâm nóng tôm, bạn nên làm theo phương pháp nấu ban đầu và sử dụng nhiệt độ thấp hơn để tránh thực phẩm chín quá. Bạn cũng có thể thêm một ít nước, mỡ hoặc nước sốt cho vào món tôm khi đun lại.
Không ăn hải sản sống
Nhiều người thích ăn hải sản sống nhưng không phải cửa hàng nào cũng đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là động vật thân mềm như ngao, hàu và sò điệp có thể gây nguy hiểm. Những loại hải sản này có nguy cơ chứa vi khuẩn xâm nhập từ nguồn thức ăn vô hại với chúng nhưng khiến người ăn đồ chưa nấu chín bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, môi trường sống là khu vực bị ô nhiễm cũng khiến hải sản tích tụ chất độc hại.
Một loại vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong hải sản chưa nấu chín là Vibrio parahaemolyticus gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn sẽ tiếp tục nhân lên ngay cả khi hải sản được làm lạnh. Cách duy nhất để tiêu diệt Vibrio parahaemolyticus là nấu chín thực phẩm. Nếu bạn cho rằng mình bị ngộ độc sau khi ăn động vật có vỏ, hãy liên hệ với bác sĩ.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyên bạn nên đặt động vật có vỏ vừa mua trên đá hoặc ngăn đá.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ba-khong-khi-an-hai-san-2316549.html