Ba kịch bản phát triển giao thông với kinh phí triệu tỷ đồng
Đơn vị chuyên ngành của Bộ GTVT đưa ra 3 kịch bản phát triển hạ tầng giao thông trong 10 năm tới với chi phí dự trù từ 900.000 đến 1,5 triệu tỷ đồng.
Sau quá trình hoàn thiện các dự thảo quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT vừa yêu cầu Viện Chiến lược và phát triển GTVT tích hợp cả 5 quy hoạch ngành quốc gia vào một báo cáo chung.
Trong báo cáo này, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã vạch ra 3 kịch bản phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.
Theo kịch bản 1, trong 10 năm tới cả nước sẽ đầu tư một số công trình lớn như hoàn thiện 5.000 km đường cao tốc, xây cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Lạch Huyện, dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang (chi phí 10% tổng mức đầu tư). Kịch bản này đòi hỏi nhu cầu vốn khoảng 900.000 đến 1 triệu tỷ đồng (chiếm 1-1,1% GDP).
Kịch bản 2 có nhu cầu vốn ước khoảng 1 đến 1,2 triệu tỷ đồng (chiếm 1,1-1,3% GDP), với một số công trình lớn như đầu tư hoàn thiện 5.000 km đường cao tốc và nối thông toàn tuyến cao tốc phía đông; chuẩn bị đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang; đưa vào khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 2; hoàn thiện nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài; mở rộng sân bay Điện Biên, Côn Đảo và một số sân bay khác theo nhu cầu.
Ngoài ra, kịch bản 2 sẽ gồm đầu tư một số đường sắt nhánh; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; nâng cấp và xây mới một số dự án thủy nội địa.
Kịch bản 3 có nhu cầu vốn khoảng 1,4 đến 1,5 triệu tỷ đồng (chiếm 1,6-1,7% GDP), trên cơ sở kịch bản 1 và dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang (chi phí 30% tổng mức đầu tư), các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Dạ, Dĩ An - Lộc Ninh.
Căn cứ trên khả năng phân bổ nguồn lực và thực tế triển khai thực hiện các dự án, Viện Chiến lược và phát triển GTVT gọi kịch bản 2 là kịch bản phát triển đột phá, đồng thời đề xuất Bộ GTVT lựa chọn kịch bản này.
Hiện nay, 5 dự thảo quy hoạch ngành giao thông giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GTVT đang được lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương để hoàn thiện trình Chính phủ. Các quy hoạch mới được hứa hẹn sẽ có tính dự báo chính xác hơn và có tính gắn kết hơn các quy hoạch hiện hành.
Đánh giá về 5 quy hoạch hiện hành, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng các quy hoạch thiếu gắn kết với nhau. Các quy hoạch được lập tại các thời điểm khác nhau (2013, 2014, 2015, 2016, 2018). Do đó, mục tiêu của các ngành chưa đồng nhất, tính kết nối giữa các quy hoạch chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, khả năng dự báo nhu cầu vận tải của quy hoạch hiện hành còn nhiều hạn chế, kết quả dự báo cơ bản cao hơn thực tế, một số lại thấp hơn (như khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không; hàng tổng hợp, container qua cảng, hành khách từ bờ ra đảo) dẫn đến các mục tiêu phát triển chưa phù hợp và chưa đáp ứng yêu cầu.
"Phần lớn các dự án quy hoạch GTVT đặt ra mục tiêu cao theo mong muốn có sự bứt phá nhanh, nhưng chưa tính toán đầy đủ các điều kiện đảm bảo. Quy hoạch kết nối các phương thức vận tải và logistics chưa được quan tâm đúng mức, chưa đặt mục tiêu giảm chi phí logistics lên hàng đầu", báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển GTVT nêu rõ.