Ba Lan có thể đối mặt với suy thoái sâu vì khủng hoảng kinh tế
Ở Ba Lan, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xấu đi khi ảnh hưởng của lãi suất cao, cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát đã lên cao kỷ lục trong 25 năm qua có thể đẩy đất nước này vào một cuộc suy thoái sâu.
Mặc dù chính phủ đã có các biện pháp được coi là “lá chắn lạm phát” nhưng lạm phát của Ba Lan đã tăng từ 8,6% vào cuối năm ngoái lên gần 18% vào thời điểm hiện nay. Chỉ số này tuy còn thấp hơn một số quốc gia Đông và Đông nam châu Âu nhưng nó đã phá kỷ lục của Ba Lan trong 25 năm qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng của Ba Lan cho năm nay xuống 3,8% và năm tới xuống 0,5%.
Trong một nỗ lực ngăn chặn lạm phát, Ngân hàng trung ương Ba Lan đã tăng lãi suất cơ bản theo từng bước lên 6,75%. Con số này cao hơn đáng kể so với lãi suất cơ bản của ECB là 1,25%. Tuy nhiên, gần đây Ngân hàng trung ương Ba Lan đã hạn chế việc tăng lãi suất hơn nữa vì việc tăng lãi suất cho đến nay đã gây ra một sự sụt giảm kinh tế đáng kể.
Đối với Ba Lan, do không nằm trong khu vực đồng euro nên sự giảm giá của đồng zloty cũng đồng nghĩa với việc phải tăng giá các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ, nơi Ba Lan đã ký nhiều tỷ USD mua vũ khí. Nhiều công ty Ba Lan đã phải thanh toán cho các nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Viễn Đông bằng USD và chấp nhận thanh toán cho việc xuất khẩu thành phẩm sang Tây Âu bằng đồng euro, điều này làm giảm lợi nhuận rất nhanh do đồng USD có vị thế mạnh hơn.
Nếu tiếp tục phải bước vào một cuộc suy thoái sâu khác, hậu quả xã hội của cuộc khủng hoảng sẽ rất nặng nề. Theo báo cáo nghèo đói mới được công bố của Mạng lưới Chống Đói nghèo châu Âu, khoảng 1,6 triệu người Ba Lan đang phải sống dưới mức sinh hoạt, tức dưới 145 USD mỗi tháng. Điều này không bao gồm dân số vô gia cư.
Vào tháng 9 năm 2022, khoảng 4,6 triệu người Ba Lan sống trong tình trạng nghèo tương đối, tức là họ kiếm được ít hơn 50% thu nhập trung bình hàng tháng, khoảng 1.480 USD. Tuy nhiên, do lạm phát, tiền lương thực tế đã giảm khoảng 3%. Theo các nhà phân tích, tỷ lệ nghèo đói ở Ba Lan có thể tăng hơn 2% trong năm tới. Nguyên nhân chính là do không điều chỉnh được lợi ích xã hội theo lạm phát.
Trên thực tế, mức tăng trợ cấp xã hội tối thiểu đã bị vượt qua nhiều lần do giá cả tăng. Mặc dù chính phủ đã cố gắng chống lại điều này bằng “lá chắn lạm phát”, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 23% xuống 8% và xóa bỏ thuế nhiên liệu, giá xăng và dầu diesel đã đạt mức cao kỷ lục. Kể từ tháng 9/2022, giá đã tăng khoảng 170%, với một lít dầu diesel 1,77 USD.
Khủng hoảng kinh tế và lạm phát cũng đã khiến làn sóng phẫn nộ của người dân bùng phát. Dưới khẩu hiệu “Thống nhất và tức giận vì PiS”, các nhóm ủng hộ đối lập đã biểu tình ở một số thành phố trong những tuần gần đây để chống lại sự gia tăng giá năng lượng và lạm phát. Solidarita, một trong ba liên minh công đoàn lớn của Ba Lan, hiện đang kêu gọi một cuộc biểu tình lớn nhất ở Warsaw trong nhiều năm vào ngày 17/11 tới sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ về tăng lương, giới hạn giá năng lượng và hạ tuổi nghỉ hưu bị thất bại. Những thợ mỏ, công nhân sản xuất thép và ô tô, cũng như nhân viên nhà nước và cảnh sát sẽ được huy động cho các cuộc biểu tình này./.