Ba Lan dồn quân diễn tập dọc biên giới với Belarus

Ba Lan đã khởi động diễn tập dọc biên giới với Belarus ngày 1/8 để bảo vệ biên giới trước 'cuộc chiến hỗn hợp' từ người di cư chống lại Warsaw.

Hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ tại Ba Lan.

Hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ tại Ba Lan.

Chiến dịch phòng thủ biên giới của Ba Lan, được gọi là 'Podlasie an toàn' (ám chỉ tỉnh Podlaskie ở đông bắc Ba Lan) có sự tham gia của khoảng 17.000 quân do Sư đoàn cơ giới số 18 của Lực lượng vũ trang Ba Lan chỉ huy, với mục đích chính thức được tuyên bố của đợt triển khai này là chống lại dòng người di cư bất hợp pháp từ Belarus bắt đầu từ năm 2021.

"Những người lính của chúng tôi sẽ chống lại những cuộc vượt biên trái phép ở những nơi không dành cho mục đích này.

Hoạt động này là phản ứng trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ phía đông, gây ra thách thức cho an ninh nội bộ của Ba Lan", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Kosiniak-Kamysz cho biết.

Ba Lan đã xây dựng một hàng rào biên giới chống nhập cư dài 186 km, cao năm mét, trị giá 400 triệu đô la dọc theo một phần biên giới và có kế hoạch xây dựng một "vùng đệm" rộng từ 200 mét đến 2 km vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Nhưng Chiến dịch 'Podlasie an toàn' được triển khai đồng thời với Chiến dịch Đông Aurora, một nhiệm vụ của NATO về cơ bản là nhằm bảo vệ không phận Ba Lan "trước những hành động khó lường của Nga và Belarus".

Hãng thông tấn quốc gia Belta của Belarus cho biết, đây được coi là nguyên nhân chính cho việc Ba Lan tiến hành chiến dịch 'Podlasie an toàn' và tăng quân gần biên giới với Belarus.

Belarus từ lâu đã hoài nghi về việc triển khai quân sự của Warsaw ở biên giới phía tây của mình. Với hơn 216.000 quân nhân tại ngũ (quân đội Belarus có tổng cộng khoảng 65.000 quân), Ba Lan có quân đội lớn thứ ba trong NATO sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Ba Lan cũng đã tăng cường đáng kể việc triển khai các vũ khí và quân đội của liên minh (bao gồm một cơ sở phòng thủ tên lửa mới của Mỹ tại Redzikowo, miền bắc Ba Lan với khả năng tấn công) trong những năm gần đây.

Vào tháng 3, Ba Lan đã tổ chức các cuộc tập trận chiến đấu Dragon 24, có sự tham gia của khoảng 20.000 quân NATO và 3.500 thiết bị quân sự.

Các chính phủ Ba Lan liên tiếp từ lâu đã có tham vọng lật đổ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để thành lập một chính phủ thân thiện hơn với Liên minh châu Âu và NATO, tài trợ và cung cấp các hình thức viện trợ khác cho các lực lượng đối lập cấp tiến trong nước, gần đây nhất là vào năm 2020.

Một số nhà địa chiến lược Ba Lan coi Belarus là một phần quan trọng của 'Intermarium', một khái niệm địa chính trị được chính khách Ba Lan Jozef Pilsudski đưa ra lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 20 để 'thống nhất' các lãnh thổ của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva cũ nhằm kiềm chế Nga từ Biển Baltic đến Biển Đen.

Một số người Ba Lan cũng coi vùng đất phía tây Belarus là 'vùng biên giới' của Ba Lan. Năm 2020, Tổng thống Belarus Lukashenko cáo buộc Warsaw ấp ủ kế hoạch sáp nhập khu vực Grodno trong bối cảnh bất ổn hậu bầu cử do nước ngoài hậu thuẫn mà Belarus phải đối mặt vào thời điểm đó.

Chính phủ Ba Lan đã lên tiếng phủ nhận những tuyên bố này.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội toàn Belarus vào tháng 4, ông Lukashenko đã cảnh báo rằng các mối đe dọa đối với Belarus từ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

"Chúng ta thấy rằng, trên khắp biên giới phía tây của chúng ta, các sân bay, căn cứ hải quân và bãi tập đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng, các căn cứ tiền phương đang được tạo ra để bố trí và lưu trữ trước các thiết bị, vũ khí và vật tư.

Cho đến nay, năm sân bay, hai căn cứ hải quân và sáu bãi tập lớn đã được hiện đại hóa ở Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic", ông Lukashenko nói, chỉ ra rằng các kho NATO được nâng cấp gần thị trấn Powidz, miền trung Ba Lan, được thiết kế để lưu trữ gần 3.000 thiết bị quân sự của liên minh.

"Đối với các đơn vị chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ba Lan tại biên giới với Belarus, dưới chiêu bài 'tăng cường an ninh', quân đội đang tiến hành các hành động trinh sát và phá hoại.

Ba Lan có ý định tạo ra 'lực lượng mặt đất mạnh nhất châu Âu', tất nhiên là với sự hỗ trợ về mặt quân sự-kỹ thuật của Mỹ. Warsaw đang tăng cường quy mô lực lượng vũ trang của mình: đến năm 2035, dự kiến sẽ tăng quy mô lên 300.000 người", tổng thống Belarus nói thêm.

"Rõ ràng là lãnh thổ Ba Lan và các nước Baltic đang được cố tình biến thành bàn đạp quân sự để khối NATO có thể sử dụng. Nghĩa là, hầu như mọi thứ đã được thực hiện để chuẩn bị cho ban lãnh đạo liên minh quyết định sử dụng vũ, bao gồm cả vũ lực quân sự cực đoan", Tổng thống Lukashenko cảnh báo.

Chính quyền Belarus đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định xâm lược Ba Lan hay bất kỳ thành viên NATO nào khác.

Nhưng Minsk cũng cảnh báo rằng họ sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ hành động khiêu khích nào của liên minh, và đã tăng cường các cuộc tập trận chung với Nga (và gần đây là Trung Quốc), triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại quốc gia này.

Ông Lukashenko còn khẳng định rằng Belarus sẽ đóng vai trò là vùng đệm đáng tin cậy chống lại NATO trực tiếp ở biên giới phía tây của Nga.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ba-lan-don-quan-dien-tap-doc-bien-gioi-voi-belarus-post694327.html