Ba Lan – hình mẫu về 'thoát khí đốt Nga' ở châu Âu?
Ba Lan và Đan Mạch vừa mới khánh thành đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe để vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch tới Ba Lan.
Ý nghĩa sự kiện
Việc Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy khánh thành đường ống vận chuyển khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạch tới Ba Lan là một sự kiện đặc biệt quan trọng và được lưu tâm vào thời điểm này tại châu Âu, khi nhiều nước châu Âu khác đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khi Nga dừng cung cấp khí đốt.
Đường ống này, với công suất vận chuyển tối đa lên tới 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm là một nguồn cung vô cùng quan trọng cho không chỉ Ba Lan mà còn nhiều nước khác tại châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình thế đối đầu leo thang giữa châu Âu và Nga.
Trước mắt, khi chính thức đi vào hoạt động từ 1/10, dù chỉ với 75% công suất, đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe này sẽ giải tỏa được rất nhiều sức ép và lo ngại về việc thiếu hụt khí đốt từ các nước Liên minh châu Âu. Thực tế, trong số các nước EU, Ba Lan là nước đang có lượng dự trữ khí đốt ở mức cao nhất, khoảng 96% và nước này có đủ các điều kiện cần thiết để không phải quá lo ngại trong mùa Đông tới.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Ba Lan lại không có lượng dự trữ dồi dào như thế và theo kế hoạch ứng phó năng lượng khẩn cấp mà Ủy ban châu Âu đề ra cuối tháng 08/2022, châu Âu sẽ lập các nhóm phản ứng nhanh giữa các nước lân cận, theo đó một quốc gia thành viên EU sẽ có trách nhiệm phải giúp đỡ các nước láng giềng nếu các nước đó thiếu hụt nguồn năng lượng.
Do đó, việc có thêm nguồn cung lớn và ổn định từ đường ống Baltic Pipe, trước mắt là khoảng 2,4 tỷ mét khối khí đốt trong 10 năm tới cho Ba Lan, là một sự bảo đảm lớn không chỉ cho Ba Lan mà còn cho cả các nước láng giềng của Ba Lan, nhất là các nước Trung và Đông Âu.
Tuy nhiên, ý nghĩa chiến lược quan trọng nhất của việc khánh thành đường ống Baltic Pipe, như tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, đó là sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới về tự chủ năng lượng của châu Âu, chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ Nga.
Từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, châu Âu đã ráo riết tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho dầu mỏ và khí đốt của Nga nhưng các nguồn thay thế cho đến nay mới chỉ dừng ở các hợp đồng mua bán, chủ yếu là mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, Qatar hay mua khí đốt của Na Uy, Algeria, thậm chí từ cả các quốc gia xa xôi như Azerbaijan hay một số nước ở châu Phi, vùng Vịnh.
Về tổng thể, đây mới chỉ là các giải pháp tình thế chứ chưa có một phương án nào mang tính chiến lược lâu dài. Baltic Pipe là dự án đầu tiên có tầm chiến lược như thế bởi dự án này đảm bảo cho châu Âu có một nguồn cung ổn định và lâu dài, với một đối tác thân cận với EU là Na Uy. Đối với châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng, đây là một dự án quan trọng cả về kinh tế lẫn địa chính trị.
Sự chuẩn bị lâu dài của Ba Lan
Tháng 4/2022, Nga đã quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lí do hai nước này không chịu trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp. Ngay khi đó Ba Lan đã quyết định chấm dứt luôn hợp đồng mua khí đốt với tập đoàn Gazprom của Nga, theo dự kiến đến cuối năm 2022 mới kết thúc.
Đây không phải là một quyết định bột phát bởi thực tế là từ năm 2019, chính phủ Ba Lan đã tuyên bố là khi hợp đồng với Gazprom kết thúc vào cuối năm 2022, Ba Lan sẽ không gia hạn hợp đồng. Vì thế, việc cắt hợp đồng với Gazprom vào tháng 4/2022, trước thời hạn hơn nửa năm không phải là một quyết định quá khó khăn với Ba Lan.
So với hầu hết các nước khác tại châu Âu, Ba Lan thực sự đã có một sự chuẩn bị tương đối kỹ về việc tự chủ năng lượng. Từ năm 2015, Ba Lan đã khánh thành một trạm khí đốt có công suất chứa lên đến 6,5 tỷ mét khối trên biển Baltic, đồng thời cũng đã tích cực mở rất nhiều đường ống dẫn khí kết nối với các quốc gia láng giềng.
Tất cả những điều này đến từ nhận thức chính trị của giới lãnh đạo Ba Lan từ nhiều năm qua, rằng nước này cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Nhận thức này có lẽ đã trở nên cấp bách hơn sau khủng hoảng Ukraine năm 2014 với việc Nga sáp nhập Crimea. Khác với nhiều thành viên khác của EU ở Tây Âu, Nam Âu hay Bắc Âu, Ba Lan và một số quốc gia ở Đông Âu, Baltic có mối liên hệ lịch sử rất phức tạp và nhạy cảm với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.
Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các nước này đã ngả sang phương Tây một cách quyết liệt, đồng thời luôn duy trì một sự cảnh giác và thù địch lớn với nước Nga. Bài học lịch sử đẫm máu thời Chiến tranh thế giới 2, khi Ba Lan bị kẹt giữa và trở thành nạn nhân thảm khốc của các cường quốc đã khiến nước này đặt hết trọng tâm của chính sách đối ngoại và an ninh vào phương Tây và NATO, luôn tìm cách tách rời khỏi các ảnh hưởng của Nga. Vì thế, vào thời điểm hiện tại, so với các nước khác tại châu Âu, Ba Lan đã có sự chuẩn bị kỹ hơn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Châu Âu đã có cách trụ vững?
Tất cả các sự kiện đều cần phải đặt trong bối cảnh lịch sử thích hợp. Ba Lan hiện tại có thể được xem như là một ví dụ về việc đã có sự chuẩn bị tương đối tốt để ứng phó khủng hoảng năng lượng gây ra do xung đột Nga - Ukraine. Nhưng sẽ là khiên cưỡng nếu nói rằng Ba Lan là một ví dụ hay một hình mẫu cho các nước khác tại châu Âu.
Sự chuẩn bị từ nhiều năm qua của Ba Lan có xuất phát điểm từ các tính toán địa chính trị của quốc gia này, khi Ba Lan nằm ở vị trí là vùng đệm giữa Nga và châu Âu nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị, cũng như việc Ba Lan từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã luôn theo đuổi đường lối đối ngoại ngả hẳn về Mỹ và có xu hướng thù địch với Nga.
Hiện tại, khi quan hệ Nga - châu Âu đổ vỡ và châu Âu làm mọi cách để tìm các nguồn cung thay thế cho năng lượng của Nga thì Ba Lan là một điểm sáng nhưng cách đây vài năm, cũng không mấy ai nghĩ rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ Đức đã sai lầm khi kiên quyết xây thêm đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) để tăng gấp đôi lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức và châu Âu, lên tới 110 tỷ mét khối mỗi năm.
Trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ, nguồn cung khí đốt và dầu mỏ dồi dào, gần như vô tận, với giá rẻ của Nga đã là động lực vô cùng quan trọng cho những ngành công nghiệp lớn nhất của Đức và nhiều nước châu Âu. Lợi ích kinh tế mà châu Âu thu được từ nguồn cung năng lượng của Nga bao năm qua là không thể phủ nhận. Vì thế, khi bối cảnh địa chính trị thay đổi, sẽ có những tính toán buộc phải thay đổi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi chính sách trong quá khứ của châu Âu đều là sai lầm.
Cách đây không lâu, khi lên tiếng nói về xung đột Nga - Ukraine hiện nay và về việc nhiều người chỉ trích chính phủ Đức các năm trước đã quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được coi là lãnh đạo thực sự của Liên minh châu Âu trong hơn 1 thập kỷ, đã tuyên bố bà không hề hối tiếc vì đã tìm cách xây dựng mối quan hệ thân thiện với Nga bởi tư duy của những lãnh đạo lớn tại châu Âu thời bà Merkel là coi Nga là một phần của châu Âu và cũng là nhân tố không thể thiếu đối với cấu trúc an ninh châu Âu. Việc quan hệ hai bên đổ vỡ toàn diện như hiện nay không thể chỉ là lỗi của một phía.
Ba Lan hay các nước châu Âu khác trong tương lai cũng sẽ tìm được các nguồn cung khác thay thế hoàn toàn cho năng lượng Nga nhưng cái giá phải trả sẽ không đơn giản, cả về thời gian, tiền bạc lẫn những hệ lụy khác về chính trị, mà rủi ro nhất là sự phụ thuộc toàn diện vào một đối tác khác./.