Ba Lan, Hungary và Slovakia ban hành lệnh cấm đối với ngũ cốc Ukraine
Ba Lan, Slovakia và Hungary hôm thứ Sáu (15/9) đã công bố các hạn chế của riêng họ đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine, sau khi Liên minh châu Âu quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào 5 nước láng giềng EU của Ukraine.
Nông dân Ukraine đã phải dựa vào xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng (Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania) kể từ khi xung đột bắt đầu, do nước này không thể sử dụng các tuyến đường thuận lợi qua các cảng ở Biển Đen.
Nhưng làn sóng ngũ cốc và hạt có dầu tràn vào các nước láng giềng đã làm giảm giá ở đó, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân địa phương và dẫn đến việc các nước này cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine.
Liên minh châu Âu vào tháng 5 đã vào cuộc để ngăn chặn từng quốc gia áp đặt lệnh cấm đơn phương và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu chung vào các nước láng giềng. Theo lệnh cấm của EU, Ukraine chỉ được phép xuất khẩu qua các nước này với điều kiện sản phẩm phải được bán ở nơi khác.
EU cho phép lệnh cấm đó hết hiệu lực vào thứ Sáu, sau khi Ukraine cam kết thực hiện các biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng. Vấn đề này hiện đặc biệt nhạy cảm khi nông dân đang thu hoạch mùa màng và chuẩn bị bán ra thị trường.
Ba nước trên cho rằng hành động của họ là vì lợi ích nền kinh tế của mình. "Lệnh cấm bao gồm bốn loại ngũ cốc, nhưng cũng theo yêu cầu của tôi, theo yêu cầu của nông dân, lệnh cấm đã được mở rộng thêm ngô, lúa mì, hạt cải dầu", Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết.
Hungary đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, bao gồm ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong, theo một nghị định được công bố vào hôm thứ Sáu.
Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng làm theo sau khi công bố lệnh cấm ngũ cốc của chính mình. Cả ba lệnh cấm chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu trong nước và không ảnh hưởng đến việc vận chuyển sang các thị trường tiếp theo.
Romania, cũng như cả Bungaria, không ban hành lệnh cấm đơn phương, nhưng cho biết họ “rất tiếc vì không thể tìm ra giải pháp châu Âu để gia hạn lệnh cấm”. Họ cho biết sẽ đợi Ukraine trình bày kế hoạch ngăn chặn sự gia tăng xuất khẩu trước khi quyết định cách bảo vệ nông dân của mình.
Romania chứng kiến hơn 60% dòng chảy thay thế đi qua lãnh thổ của mình chủ yếu qua sông Danube và nông dân nước này đã đe dọa phản đối nếu lệnh cấm không được gia hạn.
Trong năm ngoái, Ukraine đã chuyển 60% hàng xuất khẩu của mình qua Con đường Đoàn kết và 40% qua Biển Đen thông qua một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian nhưng đã bị hủy bỏ vào tháng 7.
Huy Hoàng (theo Reuters)