Ba Lan: Liên minh cầm quyền thoát nguy cơ sụp đổ
Liên minh cánh hữu cầm quyền ở Ba Lan đã đạt thỏa thuận mới, chấm dứt căng thẳng nội bộ kéo dài nhiều tuần qua liên quan kế hoạch cải tổ chính phủ, từng dấy lên lo ngại Ba Lan phải tổ chức cuộc bầu cử sớm. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Liên minh cánh hữu cầm quyền ở Ba Lan đã đạt thỏa thuận mới, chấm dứt căng thẳng nội bộ kéo dài nhiều tuần qua liên quan kế hoạch cải tổ chính phủ, từng dấy lên lo ngại Ba Lan phải tổ chức cuộc bầu cử sớm.
Thỏa thuận đạt được giữa đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền và hai đảng nhỏ, tuy nhiên chi tiết chưa được công bố. Hiện, chính phủ do đảng PiS lãnh đạo chịu nhiều áp lực trước chỉ trích của người dân về cách thức ứng phó đại dịch.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Trong một tuyên bố ngày 28-9, chính phủ Saudi Arabia - nước chủ tịch Nhóm các nền kinh tế G-20 cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới của G-20 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 21 đến 22-11 và do Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud chủ trì.
Thông báo khẳng định Saudi Arabia, trên cương vị chủ tịch G-20 năm nay, sẽ “tiếp nối thành công của hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi tháng 3 và dựa trên kết quả của hơn 100 hội nghị trực tuyến cấp chuyên viên và bộ trưởng”. Cũng theo thông báo, với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, nội dung nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ tập trung vào việc bảo vệ người dân và hồi phục tăng trưởng để giải quyết những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như đặt nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Chính quyền Palestine thúc đẩy hội nghị hòa bình quốc tế về Trung Đông
Ngày 28-9, Chính quyền Palestine (PA) đã khởi động các bước ngoại giao nhằm tổ chức một hội nghị quốc tế vào đầu năm 2021 về tiến trình hòa bình với Israel. Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực, phái viên PA tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Riyad Mansour cho biết hiện phái bộ này đã bắt đầu các bước chuẩn bị với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và một số nước để chuẩn bị tham vấn về hội nghị quốc tế, Quá trình tham vấn sẽ được tổ chức bởi Liên minh châu Âu, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Hôm 25-9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đề nghị LHQ tổ chức một hội nghị quốc tế về Trung Đông trong năm 2021. Trong phát biểu gửi tới Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Abbas kêu gọi Tổng Thư ký Antonio Guterres tổ chức một cuộc họp về vấn đề Palestine “đầu năm tới” và triệu tập “tất cả các bên liên quan”. Tổng thống Abbas khẳng định hội nghị “nhằm chấm dứt chiếm đóng và trao cho người Palestine tự do và độc lập trong nhà nước của chính mình có đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem và giải quyết những vấn đề tình trạng cuối cùng, nhất là vấn đề người tỵ nạn”. Tuyên bố của Tổng thống Abbas được đưa ra sau khi Israel và UAE/Bahrain ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 15-9 tại Washington. Hiện Palestine đã bác bỏ các thỏa thuận này, cho rằng chỉ khi Israel rút khỏi Judea và Samaria (Bờ Tây) mới có thể đưa tới hòa bình cho Trung Đông. Bên cạnh đó, PA cũng bác bỏ nỗ lực ngoại giao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, cáo buộc Washington đang thiên vị Israel.
Tổng thống Abbas đã nhiều lần thúc đẩy một hội nghị về hòa bình tại Trung Đông, với mục đích gây sức ép Israel chấp nhận đàm phán với PA mà không có sự tham gia của Mỹ. Theo ông Mansour, “xung đột Israel - Palestine phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết có tính pháp lý quốc tế”./.