Vào ngày 26/11, khinh hạm Đô đốc Gorshkov của Nga đã phóng một tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon từ Biển Trắng. Tên lửa được thông báo đã đạt tốc độ hơn Mach 8 và bắn trúng mục tiêu ở biển Barents từ khoảng cách 450 km.
Là một phần của các cuộc thử nghiệm tiếp theo diễn ra vào cuối năm nay, hải quân Nga đã lên kế hoạch tiến hành thêm hai lần phóng nữa, bao gồm cả vào mục tiêu mô phỏng tàu sân bay của kẻ thù tiềm năng.
Sau khi quan sát những lần thử nghiệm, theo các phóng viên đến từ tạp chí Defense 24 của Ba Lan, các vụ phóng Zircon cho thấy những vấn đề có thể xảy ra với tên lửa diệt hạm thế hệ mới.
Chuyên gia từ Ba Lan đã đưa ra lời nhận xét bi quan về các vụ thử tên lửa Zircon, bởi sự im lặng của Điện Kremlin về những lần phóng đã diễn ra, cũng như chi phí của những bài thử nghiệm như vậy.
Những lần phóng tên lửa Zircon đang được thực hiện bởi khinh hạm dẫn đầu của Dự án 22350 mang tên "Đô đốc Gorshkov" chứ không phải chiến hạm "Đô đốc Kasatonov" đã bắn tên lửa Oniks và Kalibr ở Biển Barents cũng gây ra thắc mắc không nhỏ.
"Thực tế là trong thông điệp ngày 26/11/2020, Bộ Quốc phòng Nga im lặng về kết quả cuộc phóng thử nghiệm mới nhất, điều này có thể cho thấy sự thất bại của họ", Defense 24 suy đoán.
"Đồng thời đã diễn ra cuộc kiểm tra như vậy chỉ một tháng sau đó, từ cùng một tàu chiến, điều này cho thấy rằng vào tháng 10 Nga đã gặp một số vấn đề với tên lửa Zircon", tờ báo viết.
Đồng tình với quan điểm của Defense 24, tờ Defense Express của Ukraine cũng đặt câu hỏi về kết quả thử nghiệm tên lửa chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon của Nga diễn ra vào ngày 26/11 ở biển Barents.
Tờ báo viết, Bộ Quốc phòng Nga đã bình luận về vụ thử thứ hai của tên lửa Zircon, trong đó gần như lặp lại đến từng chữ thông điệp về vụ thử trước đó diễn ra vào đầu tháng 10 năm nay, ngoại trừ một cụm từ - "đánh trực diện".
Bên cạnh đó, khoảnh khắc bắn trúng mục tiêu cũng không được hiển thị, chính hai yếu tố này đã làm dấy lên nghi ngờ trong giới chuyên gia quân sự Ukraine về việc tên lửa Zircon đã bắn trượt mục tiêu.
"Từ ngữ lặp đi lặp lại sau cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa này vào tháng 10. Ngoại trừ cụm từ - 'đánh trực tiếp' dẫn đến một số nghi ngờ. Lưu ý rằng như trong trường hợp phóng Zircon mới đây nhất, Nga không cho thấy thời điểm hoặc ít nhất là kết quả của việc bắn trúng mục tiêu", bài báo nêu rõ.
Không chỉ có vậy, còn xuất hiện phán đoán cho rằng video Nga thử tên lửa Zircon là giả mạo, căn cứ vào cách tách phần nắp che quả đạn cũng như hình dáng cân xứng của nó, nhiều chuyên gia cho rằng thực chất đây là tên lửa Oniks.
Về phần mình, truyền thông Nga bình luận ý kiến nói trên của các chuyên gia Ba Lan và Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tên lửa siêu thanh Zircon hiện đang trong quá trình thử nghiệm.
Moskva tuyên bố những nghi ngờ và chỉ trích dành cho tên lửa Zircon chỉ đơn giản thể hiện sự sợ hãi và lòng ghen tị của các đối thủ tiềm tàng với "siêu vũ khí" của họ mà thôi.
Bạch Dương