Ba Lan phản ứng gắt trước thông báo kiểm soát biên giới của Đức

Mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan vốn đã căng thẳng trước khi Berlin thông báo quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát tại mọi biên giới trên bộ để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 10/9 đã chỉ trích gay gắt quyết định của Berlin về thắt chặt kiểm soát tại mọi cửa khẩu biên giới, bao gồm cả biên giới chung giữa Đức với Ba Lan.

Trước đó, hôm 9/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser thông báo nước này sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát tại mọi biên giới trên bộ từ ngày 16/9 để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp.

Nhưng Ba Lan, quốc gia có biên giới phía Đông giáp Đức, đã không phản ứng tích cực với thông báo này.

"Động thái này là không thể chấp nhận được theo quan điểm của Ba Lan", ông Tusk nói khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Warsaw hôm 10/9, cho rằng việc thực hiện bước đi này là do tình hình chính trị nội bộ ở Đức chứ không phải do chính sách chung đối với tình trạng di cư bất hợp pháp qua đường bộ.

Thủ tướng Donald Tusk (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại một cuộc họp báo ở Warsaw, ngày 2/7/2024. Ảnh: RMF24

Thủ tướng Donald Tusk (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại một cuộc họp báo ở Warsaw, ngày 2/7/2024. Ảnh: RMF24

Đức và 9 quốc gia có chung đường biên giới trên bộ – bao gồm Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo và Thụy Sĩ – đều là một phần của khu vực Schengen, nơi việc kiểm tra hộ chiếu tại biên giới đã chính thức bị bãi bỏ. Tuy nhiên, các quy tắc của Schengen cho phép các quốc gia thành viên tạm thời tái áp dụng kiểm tra hộ chiếu trong trường hợp có mối đe dọa an ninh.

"Những gì Ba Lan cần không phải là tăng cường kiểm soát biên giới, mà là tăng cường sự tham gia của các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia như Đức, trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu (EU)", ông Tusk nói thêm, ám chỉ đến biên giới chung của nước này với Belarus, Ukraine và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Mối quan hệ giữa Berlin và Warsaw vốn đã căng thẳng trước khi bà Faeser đưa ra thông báo trên. Việc Ba Lan gần đây từ chối chấp nhận yêu cầu của Đức về việc bắt giữ một công dân Ukraine đang sống trên lãnh thổ của mình vì bị tình nghi có liên quan đến việc phá hoại đường ống Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức đã góp phần làm xấu đi mối quan hệ.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi quyết định này từ Berlin tham vấn khẩn cấp với tất cả các nước láng giềng của Đức về hành động tại EU về vấn đề này", Thủ tướng Ba Lan cho biết.

Áo nằm trong số các quốc gia giáp biên giới với Đức. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner nói với các phóng viên rằng đất nước ông sẽ không tiếp nhận lại những người di cư đã bị chính quyền Đức từ chối tại biên giới Áo-Đức.

Đối với Đan Mạch, "quyết định này sẽ thay đổi rất ít đối với biên giới Đan Mạch-Đức", một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Đan Mạch nói với Euractiv, đồng thời cho biết thêm rằng đã có các cuộc kiểm tra và kiểm soát tại biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước kể từ năm 2016.

Tại Hà Lan, ông Geert Wilders, lãnh đạo của đảng lớn nhất trong Quốc hội Hà Lan là Đảng Tự do theo chủ nghĩa dân tộc, hôm 10/9 đã nói với các nhà lập pháp rằng người Hà Lan nên noi gương Đức, Đài truyền hình Hà Lan NOS đưa tin.

Đối với Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Nội vụ Vít Rakušan ngay hôm 9/9/ đã viết trên X/Twitter: "Đây là sự mở rộng của các biện pháp hiện tại đã được áp dụng tại biên giới Đức trong nhiều tháng. Điều này không có nghĩa là bất kỳ thay đổi cơ bản nào đối với Cộng hòa Séc và công dân của nước này tại thời điểm này".

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ba Lan Tusk vào phút chót đã quyết định hủy chuyến thăm Đức, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Ông Tusk dự kiến sẽ đến Potsdam để nhận một giải thưởng do tổ chức M100 Sanssouci Colloquium của Đức trao tặng.

Viện dẫn bận việc trong nước, ông Tusk đã hủy chuyến đi và Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Adam Bodnar sẽ thay thế ông.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vốn dự kiến sẽ đọc lời vinh danh ông Tusk tại lễ trao giải, theo đó cũng sẽ không tham dự buổi lễ.

Minh Đức (Theo Euractiv, APA)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ba-lan-phan-ung-gat-truoc-thong-bao-kiem-soat-bien-gioi-cua-duc-204240911203200596.htm