Brimstone là tên lửa chống tăng không đối đất tiên tiến trang bị cho máy bay chiến đấu, tuy nhiên ở tổ hợp vũ khí mới của Ba Lan thì vũ khí này đã được sửa đổi thành phiên bản đất đối đất.
Khung gầm của tổ hợp tên lửa chống tăng này là xe chiến đấu bộ binh BWP-1 (phiên bản BMP-1 do Ba Lan sản xuất) hoặc đặt trên khung xe cơ sở của pháo tự hành K9 Thunder mà Ba Lan mua của Hàn Quốc.
Trên mỗi xe diệt tăng dùng khung gầm BWP-1 hay K9 sẽ lắp từ 1 tới 3 container ống phóng, mang theo 12 - 24 tên lửa Brimstone trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa, tạo ra sức mạnh cực kỳ đáng gờm.
Hệ thống vũ khí diệt tăng tự hành này được Ba Lan xem như phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn các binh đoàn xe tăng đông đảo của Nga trong trường hợp nổ ra xung đột, họ tự tin rằng nó đủ sức đánh bại cả T-14 Armata.
Nguồn gốc của tên lửa Brimstone bắt đầu từ ngày 7-11-1996, khi Bộ quốc phòng Anh ký với tập đoàn MBDA hợp đồng phát triển và sản xuất một vũ khí chống thiết giáp thế hệ mới để trang bị cho Không quân Hoàng gia Anh (RAF).
Loại tên lửa mới có tên gọi Brimstone, nó được phóng thử lần đầu tiên vào tháng 8-1999. Đợt phóng thử tiếp theo trên chiếc Tornado GR4 vào tháng 9-2000 đã thành công ngoài mong đợi.
Hiệu quả của loại tên lửa mới này lại được kiểm chứng thêm lần nữa khi trải qua các thử nghiệm đánh giá của RAF tại căn cứ không quân China Lake tại Mỹ vào tháng 5-2005.
Theo tờ Daily Telegraph, giá thành mỗi quả tên lửa Brimstone ước tính vào khoảng 105 nghìn bảng (hơn 3 tỷ đồng), tương đương mức giá của tên lửa AGM-65 Maverick do Mỹ sản xuất.
Tên lửa Brimstone có trọng lượng 18,5 kg; dài 1,8 m; đường kính 178 mm. Ban đầu người ta cho rằng mẫu tên lửa này là bản cải tiến của AGM-114 Hellfire khi thay thế đầu dò laser bằng một đầu dò sóng, nhưng thực tế không phải như vậy.
Brimstone được trang bị đầu đạn kiểu TSC, thiết kế thêm một lượng nổ nhỏ ở đầu để phá giáp phản ứng nổ và sau đó là lượng nổ chính lớn hơn nhiều để phá hủy giáp chính.
Các chuyên gia quân sự ước tính rằng tên lửa Brimstone có hiệu quả gấp 3 lần so với AGM-65G Maverick và gấp 7 lần khi đặt cạnh bom chùm BL-755.
Giới chức quân sự Anh cho biết trong các chiến dịch không kích, Brimstone đã chứng minh được sự tin cậy và độ chính xác lên tới hơn 90%, trong chiến dịch tại Libya thậm chí con số này còn đạt 98%.
Giống như nhiều loại tên lửa chống tăng hiện đại khác, Brimstone cũng có khả năng "bắn và quên", bay theo mục tiêu mà phi công hay trắc thủ đã định sẵn trước khi phóng.
Brimstone cũng có thể lập trình để thích nghi với từng nhiệm vụ cụ thể, như tự tìm mục tiêu trong một khu vực nhất định (bao gồm cả mục tiêu địch lẫn đồng minh), tên lửa cũng có thể tự hủy nếu không tìm thấy mục tiêu trong khu vực được chỉ định.
Ngoài khả năng bán tự động để xác định đối tượng tiêu diệt, Brimstone cũng có khả năng xác định vị trí nào trên mục tiêu sẽ gây thiệt hại nhiều nhất hoặc có thể loại bỏ hoàn toàn mục tiêu.
Khả năng này có được là nhờ các cảm biến tiên tiến trên tên lửa bao gồm radar tần số cao, cho phép chụp ảnh và quét mục tiêu để chọn vị trí xung yếu nhất.
Các thuật toán xác định và hủy diệt mục tiêu cũng sẽ thay đổi linh hoạt nếu nhiều tên lửa cùng được phóng đi cùng lúc và tấn công nhiều đối tượng khác nhau.
Một hay nhiều quả Brimstone có thể bắn được theo nhiều hình thức khác nhau bao gồm tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp với mục tiêu đơn lẻ, chống mục tiêu được xếp thẳng đứng hoặc xếp dàn trải.
Tầm bắn của tên lửa Brimstone đạt 20km khi phóng từ máy bay cánh cố định hoặc 12 km khi phóng từ trực thăng, con số trên lần lượt là 60 km và 40 km đối với phiên bản Brimstone 2, hiện chưa rõ khi phóng từ mặt đất thì tên lửa sẽ đạt tầm xa bao nhiêu.
Việt Dũng