Ba lãnh đạo cấp cao rút khỏi FPT Telecom
CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã: FOX) vừa thông báo về việc ba nhân sự cấp cao đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm.
Danh sách gồm bà Trần Thị Hồng Lĩnh và ông Phan Thế Thành - thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), cùng ông Đỗ Xuân Phúc - thành viên Ban kiểm soát.
Lý do được các cá nhân này đưa ra là vì không còn là đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chính thức chuyển giao quyền đại diện vốn Nhà nước tại FPT Telecom cho Bộ Công an. Trước đó, cả ba đều là đại diện cho phần vốn do SCIC nắm giữ.
Buổi bàn giao giữa SCIC và Bộ Công an đã diễn ra vào ngày 16/7, cũng là thời điểm FPT Telecom tiếp nhận đơn từ nhiệm của ba nhân sự nói trên. Sau sự kiện này, HĐQT của FPT Telecom hiện còn lại bốn thành viên gồm ông Hoàng Việt Anh – Chủ tịch HĐQT, cùng ba thành viên khác là ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Văn Khoa và bà Chu Thị Thanh Hà. Trong khi đó, Ban kiểm soát chỉ còn hai thành viên là ông Trần Khương và ông Phạm Xuân Hoàn.
Trước thời điểm chuyển giao, dữ liệu tại ngày 31/3/2025 cho thấy SCIC nắm giữ 50,17% cổ phần tại FPT Telecom, trong khi Tập đoàn FPT sở hữu 45,66%. Tỷ lệ sở hữu này cũng tương đồng với thông tin công bố vào ngày 16/7 - thời điểm Bộ Công an tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước từ SCIC, với SCIC nắm 50,2% vốn điều lệ và FPT Group nắm 45,7%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu đạt 19.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, mảng viễn thông tiếp tục đóng vai trò chủ lực, dự kiến mang về 19.100 tỷ đồng – tăng trưởng tương đương 13%. Phần còn lại đến từ lĩnh vực nội dung số. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 4.200 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy FPT Telecom đã hoàn thành 23% chỉ tiêu cả năm về cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 4.582 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; lãi trước thuế đạt 967 tỷ đồng, tăng 17,1%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 765 tỷ đồng, tăng 16%.
Về tình hình tài chính, tính đến hết quý I/2025, tổng tài sản của FPT Telecom đạt hơn 24.663 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm. Trong đó, danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 50% tổng tài sản, tương đương 12.286 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tổng nợ phải trả ở mức 14.228 tỷ đồng, tăng 8,4%. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn một nửa tổng nợ, với giá trị gần 7.620 tỷ đồng.