Bà lão 65 tuổi thuê nhà ra ở riêng sau 7 năm hi sinh: Bài học đắt giá cho mẹ chồng sống chung với con dâu
Từng yêu thương và hết lòng vì con dâu như con ruột, người mẹ 65 tuổi vẫn phải cay đắng rời nhà con.
7 năm sống chung dưới một mái nhà với con dâu, tưởng như sẽ mang lại bình yên tuổi già, nhưng cuối cùng lại khiến bà Trịnh Khuê (65 tuổi, Trung Quốc) phải đưa ra quyết định táo bạo: bỏ nhà, dọn đi thuê trọ.
Từng là giáo viên tiểu học, bà Khuê sống hiền lành, có lương hưu ổn định, và sẵn sàng hi sinh thời gian nghỉ ngơi để chăm lo cho gia đình nhỏ của con trai.
Khi con trai lấy vợ, bà đón con dâu về như con gái ruột. Bà quán xuyến toàn bộ việc nhà, từ nấu nướng, giặt giũ, đến chăm cháu, không hề than phiền nửa lời.
Trong mắt hàng xóm, bà là người mẹ chồng mẫu mực. Trong mắt chính mình, bà từng tin rằng lòng tốt sẽ được hồi đáp.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như bà tưởng.
Mâu thuẫn mẹ chồng - con dâu: Điểm nứt vỡ từ chuyện nuôi dạy cháu
Khi cháu trai ra đời, bà Khuê càng quấn quýt và chiều chuộng. Bà mua đủ thứ đồ chơi, đồ ăn ngon cho cháu, không nỡ từ chối bất cứ đòi hỏi nào.
Trong khi đó, con dâu lại có cách giáo dục nghiêm khắc, muốn con trai vào khuôn phép từ nhỏ.
Sự khác biệt về quan điểm nuôi dạy trẻ dần đẩy hai người phụ nữ xa nhau. Những lần cãi vã vì cháu ngày một nhiều.
Có lần gay gắt đến mức, bà Khuê thề không bao giờ nói chuyện với con dâu nữa.
Và điều khiến bà đau nhất không đến từ những tranh cãi, mà đến từ sự lạnh nhạt đến tàn nhẫn của con cái.

Ở tuổi 65, bà bắt đầu học cách sống vì bản thân, điều mà suốt nhiều năm bà quên mất. Ảnh minh họa
Một lần nhập viện, thức tỉnh cả cuộc đời
Một ngày, khi đang dọn dẹp nhà cửa, bà bất ngờ ngã quỵ vì chóng mặt. Hàng xóm phải đưa bà vào viện cấp cứu.
Trong suốt 2 tuần nằm viện, con trai chỉ đến thăm vỏn vẹn 1 lần. Con dâu thậm chí còn không gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm.
Cú sốc ấy như một hồi chuông cảnh tỉnh. Ra viện, bà lặng lẽ làm một việc không ai ngờ: viết giấy tặng lại căn nhà 70m² cho con trai, rồi dọn ra ngoài sống một mình.
Bà nhờ bạn thuê giúp một căn hộ nhỏ trong khu tập thể cũ, giá khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Ở tuổi 65, bà bắt đầu học cách sống vì bản thân, điều mà suốt nhiều năm bà quên mất.
Rời khỏi con dâu, tìm lại chính mình
Kể từ ngày bà rời đi, vợ chồng con trai mới nhận ra giá trị của sự hiện diện của bà. Không còn người lo bữa sáng, đưa đón cháu, họ phải quay cuồng với lịch trình mới.
Vì công việc bận rộn nên con trai nhiều lần gọi điện nhờ bà Khuê đến đón cháu. Dù giận con nhưng bà Khuê vẫn vượt hơn 20km để kịp đón cháu.
Nhưng tình cảm đã rạn. Bà vẫn yêu cháu, vẫn thỉnh thoảng hỗ trợ, nhưng khi con trai tha thiết mời về sống chung, bà chỉ nhẹ nhàng từ chối.
Giờ đây, sống một mình trong căn hộ nhỏ, bà mới nhận ra: tự do không phải ích kỷ, mà là món quà xứng đáng sau cả đời hi sinh.
Sống cùng con dâu – có nhất thiết phải ràng buộc suốt đời?
Câu chuyện của bà Khuê được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, chạm đến tâm tư của nhiều người lớn tuổi.
Sống cùng con dâu tưởng là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng đôi khi, lại là khởi đầu cho những vết thương âm ỉ.
Có lẽ, không phải ai cũng hợp để chung sống lâu dài, nhất là khi không có sự thấu hiểu, sẻ chia từ cả hai phía.
Và với những người mẹ như bà Khuê, lựa chọn sống riêng không phải là buông bỏ, mà là cách giữ lại phần bình yên còn sót lại cho mình.
Người già ở riêng: Sự dịch chuyển sống mới của người cao tuổi

Những năm gần đây xã hội ghi nhận sự dịch chuyển xu hướng sống mới của người già. Ảnh minh họa
Thường có câu "trẻ cậy cha, già cậy con", từ nhiều đời nay trong quan niệm Á Đông nói chung là để chỉ việc bố mẹ khi về già thường sống chung với con cháu. Mô hình này được gọi là tam, tứ đại đồng đường.
Thế nhưng, những năm gần đây xã hội ghi nhận sự dịch chuyển xu hướng sống mới của người già.
Tuổi xế chiều khi đã lo lắng xong xuôi việc học hành, dựng vợ gả chồng cho con cái thì họ đã chọn cách sống cho riêng mình.
Khoảng cách thế hệ, suy nghĩ và lối sống dẫn đến những xung đột trong gia đình vì sống riêng được hóa giải một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, để có được niềm vui như vậy, cả cha mẹ và con cháu đều phải có sự chuẩn bị về kinh tế, tâm thế trước khi đưa ra quyết định ở riêng.
Việc con ở gần kề nhưng không ở chung nhà được cho là mô hình đáng quan tâm, giúp con cái có thể chăm sóc bố mẹ thường xuyên mà hai bên đều tôn trọng không gian sống riêng của nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển cấu trúc gia đình nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ, lối sống hay quan điểm ứng xử dẫn đến những lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt', nảy sinh nhiều mâu thuẫn không đáng có. Từ đó, gây tổn thương cho người già và người trẻ trong gia đình.
Với những người ở riêng, họ chấp nhận sự khác biệt của mình với con, tạo ra không gian riêng cho mình và tôn trọng không gian riêng của con.
Họ không còn nhu cầu muốn can thiệp vào đời sống riêng của con nữa. Đó cũng là một trong những điều giúp họ bình an, vui vẻ sống độc lập, không dính mắc vào cái gọi là cuộc sống riêng của con, bởi ở đó đôi khi sẽ có cãi vã, xung đột, bất đồng ý kiến với người già…