Bà lão ở làng hương
Xuất thân dõi dòng hoàng thất, đã từng trầm luân qua kiếp nhân sinh với khổ đau và hạnh phúc, bà lão ngoài thất thập không chỉ góp phần cho làng hương xứ Cố đô trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, mà bà còn có một nguyện ước cuối cùng dành cho những bệnh nhân mắc ung thư.
Người đàn bà làng hương
Thân hình nhỏ nhắn mảnh dẻ với cân nặng chưa tới 40kg, vết thời gian đã phủ lên khuôn mặt và vóc dáng của người đàn bà này. Mái tóc đã bạc, đôi bàn tay đã nhăn nheo vì sự nghiệt ngã của thời gian. Đôi mắt dường như lúc nào cũng buồn nhưng như bao năm qua bà vẫn thế, vẫn bình thản và nhẹ nhàng như thế.
Một người con xứ Huế, xuất thân hoàng tộc với cái tên thật đẹp là Tôn Nữ Ánh Tuyết (76 tuổi, số 69 đường Huyền Trân Công Chúa, P.Thủy Xuân, TP.Huế). Trong quầy hàng trang trí cơ man các loại hương với màu sắc và trọng lượng khác nhau, mệ Tuyết như lọt thỏm trong những sắc màu ấy. Giọt nắng mùa hè đổ xuống, in lên nền đất dáng người gầy nhỏ với bước đi khó nhọc, nhưng lại sáng rực lên.
Mệ Tuyết có lẽ là hiện thân của người Huế truyền thống chứ không phải là người mang vẻ đẹp thấp thoáng màu vương giả ở mảnh đất cố kinh, từng là nơi ngự trị của vua chúa, của những dòng dõi cao quý. Mệ Tuyết với nụ cười phúc hậu, tấm lòng nhân ái, lương thiện, đặc biệt là sự nỗ lực để gìn giữ nghề làm hương, trầm vốn có từ xa xưa, bên dòng Hương này. Nhẹ và thanh, chậm rãi mà hút hồn người, dìu dặt mà đầy khắc khoải, mệ Tuyết nói chuyện mà như ru từng người bằng chất giọng xứ Huế của những cô Tôn Nữ, Công Huyền ngọt ngào như thế.
Từ khi 9 tuổi, mệ đã theo ông bà ngoại học cách làm hương là nghề truyền thống của làng. Rồi mệ vào Quốc học (trường nữ), rồi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Huế chuyên ngành Hóa học được nửa chừng thì những đổi thay của lịch sử đã khiến mệ phải dở dang ước mơ. Một thời gian sau mệ vừa làm hương vừa đăng ký học lớp trung cấp kế toán, rồi chuyện tình yêu đã đưa mệ về miền cao nguyên Đắk Lắk làm dâu. Cuộc sống với nhiều đổi thay đã khiến gia đình tan vỡ, mệ về lại Huế và chuyên tâm với nghề làm hương để xoa dịu những nỗi đau. Kể về mình, mệ cười xòa như thế dẫu ánh mắt vẫn có chút buồn vương lại những ám ảnh, và rồi mệ chốt lại một câu: “Thôi chuyện cũ rồi, nhắc lại làm chi nữa!”.
Thôi thì chuyện đời mình, mệ không muốn kể sâu, cũng đặng. Nhưng chuyện khơi lại sức sống cho làng hương Thủy Xuân này, mệ kể vanh vách như niềm tự hào của mình, của người làng hương, của công sức cha ông gìn giữ và đắp bồi. Thủy Xuân hồi ấy cách đây chừng đôi ba mươi năm vẫn chưa nhộn nhịp du khách như bây giờ, làng chỉ có ba nghề truyền thống là nghề làm mõ, đẫy (tạo tác) trầm, nghề làm hương.
Đổi thay của kinh tế khiến nghề nào cũng chấp chới những khó khăn, người làng đau đáu ngụp lặn với nghề để giữ lại hồn cốt của cha ông, giữ lại cái tinh hoa của làng nghề chốn cố đô, và giữ lại cho mình chút gì còn luyến lưu với cuộc mưu sinh đầy nghiệt ngã. Mệ vừa làm hương để bán, dựng lên một quán nhỏ bên đường để phơi hương và cũng để trưng bày. Những lần đầu tiên khi các Festival tại Huế được tổ chức, mệ mang hương làng Thủy Xuân đến trưng bày, và dựng bàn làm hương ngay tại chỗ. Khách du lịch bất ngờ và thích thú, lạ lẫm và tò mò. Rồi mệ giới thiệu về làng Thủy Xuân, giới thiệu về con đường nơi những người làng đang làm hương tới mọi người. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, du khách tìm tới và họ đã vô cùng ấn tượng với một làng nghề như thế.
Làng hương Thủy Xuân ban đầu chỉ có dăm ba hộ làm nghề, thấy du khách đến ngày một đông nhiều hộ khác cũng quay lại với nghề. Những cây hương se xong được bà con mang ra phơi nắng cho khô. Có người bỏ lên những chiếc giá để phơi, có người bó thành từng nạm tay rồi xòe chúng ra phơi. Những chân hương đan níu vào nhau và giữ chặt cho nhau xòe đều bó hương trên sân phơi ấn tượng với du khách, nhất là khách nước ngoài.
Rồi nghề làm hương, làng hương Thủy Xuân đã sang trang mới. Những chân hương nhuộm xanh, đỏ, vàng, tím được xòe ra tạo thành những tác phẩm sắp đặt, khiến chúng như vũ điệu của những gam màu phối trộn trên nguyên liệu thô mộc nhưng có sức quyến rũ đặc biệt, mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cho những tấm hình. Cùng với đó, những đạo cụ như đàn nguyệt, đàn tỳ-bà, sắm thêm phục trang là những bộ áo dài ngũ thân, khăn đóng cho nam lẫn nữ mặc, trồng hoa, trang trí lồng đèn chung quanh hàng quán... tất cả đã được lưu vào những tấm hình trên chiếc máy ảnh hay điện thoại cầm tay của du khách vượt ra khỏi lũy tre làng, đi ra thế giới.
Làng hương Thủy Xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều này góp phần bảo tồn, tôn vinh nghề hương thủ công truyền thống và nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Bây giờ thì cả một góc phố dài chừng 400m trở thành điểm du lịch phía Tây Nam thành phố Huế.
Nhưng, người đàn bà làng hương ấy còn làm được nhiều hơn thế, khi dành cả tâm nguyện của mình cho những bệnh nhân ung thư.
Cho người bệnh và những nguyện ước cuối cùng
Ngày nào cũng thế, cứ 4 - 5 giờ sáng, mệ Tuyết lại cặm cụi dọn hàng, bưng bê mấy chục bó chân hương ra trưng bày trước quán nhỏ của mình. Công việc cứ đều đặn chỉ vì cái tâm với làng nghề và mong muốn giúp đỡ những em nhỏ, những bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Mỗi sáng mệ đều thắp 3 nén hương nhớ đến vong linh các trẻ em ung thư đã ra đi, mong các cháu cầu chúc cho mệ buôn may bán đắt, để mệ có thể giúp đỡ những bệnh nhân khác nữa. Chiều tối mệ lại thắp nén hương để cảm ơn, vì một ngày làm việc suôn sẻ.
Mệ có gì đâu, những lúc ban đầu có dư dả đôi ba trăm ngàn thì mang vào giúp đỡ các cháu nhỏ bị ung thư ở bệnh viện. Với 110 ngàn đồng ban đầu vào thăm người bạn bị bệnh, mệ đã nhìn thấu nỗi đau của những bệnh nhi ung thư, nhìn thấy những đôi mắt khắc khoải của người nhà bệnh nhân, nhìn thấy cả những đứa trẻ hồn nhiên mà không biết mình mang trọng bệnh ở trong bệnh viện. Mệ đã nhìn thấy nhiều điều nữa để rồi tất cả như một cơn sóng quằn quại trào lên trong thổn thức của mệ. Từ lần đó, mệ chắt chiu từng đồng tiền bán hương, từng đồng tiền người ta cho để gom góp lại mang vào bệnh viện cho các bệnh nhân.
Gần 10 năm qua, nguyện ước của mệ cũng chỉ có một điều, đó là dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời kiếm tiền giúp đỡ bệnh nhân ung thư, xoa dịu những thương tổn. Thu nhập từ quán hương thời gian gần đây cũng đã ổn định hơn, quỹ từ thiện đã có thể giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân ở bệnh viện. Kinh phí mỗi chuyến thiện nguyện có khi lên đến vài chục triệu đồng cho 90 bệnh nhi và 470 bệnh nhân người lớn đang điều trị dài ngày. Mệ cũng để dành được một số tiền tiết kiệm, mệ bảo nếu không may số tiền ấy sẽ được chuyển tới cho các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện.
Đối với mệ Tuyết, còn được sống là còn nỗ lực vì trẻ em ung thư, “ung thư không đợi mình!”, đó là câu nói mà mệ luôn nhắc bản thân mình mỗi ngày. Giữa sự sống và cái chết, giữa khoảnh khắc sinh tồn và thời điểm ra đi của những bệnh nhân ung thư chẳng thể đong đếm. Với mệ, có được chút tiền là mệ lại đi, bởi mệ sợ sẽ không kịp. Như trường hợp một bệnh nhi ở Quảng Bình bị ung thư xương mệ đến thăm và gần 1 tháng sau bệnh nhi này được đưa về nhà. Từ đó mệ không gặp nữa và nỗi ăn năn cứ ở trong mệ mãi.
Từ 5 hay 10 triệu đồng mỗi tháng, rồi 20 - 30 triệu đồng, có khi 50 - 60 triệu đồng mỗi tháng để giúp các bệnh nhân ở hai cơ sở điều trị lớn là Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Dường như tháng nào mệ cũng đi. “Ít nhiều chi mệ cũng vô thăm, tặng quà cho mấy cháu. Chỉ sợ mấy cháu không đợi được mình. Thương lắm!”, mệ nói mà trong đôi mắt buồn của mệ rơm rớm nước và giọng mệ nghẹn lại. Mỗi lần nghe tin buồn về một bệnh nhi qua đời là lòng mệ Tuyết lại đau nhói.
Đôi tay mệ mân mê cuốn sổ nhỏ chi chít số điện thoại của các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên, và khách hàng thân thuộc. Có người ở xa thường xuyên gọi điện hỏi thăm, trò chuyện cùng mệ. Người ở gần hay các bạn sinh viên, tình nguyện viên thì cùng mệ đi trao quà cho bệnh nhân. Gần 2 năm qua mệ đã yếu hơn, đôi chân đã mỏi hơn nên việc đi lại khó khăn, nhưng mệ vẫn cố gắng vào bệnh viện để trao quà.
ThS.BSCK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, những món quà chuyển đến từng bệnh nhân phần nào xoa dịu những tổn thương, nỗi buồn và tiếp thêm cho họ nghị lực sống, cùng với người thân chiến đấu với bệnh tật đến phút giây cuối cùng. Mong rằng mệ Tuyết sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp. Nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ ở bệnh viện đã xem mệ Tuyết như người mẹ thứ hai.
Trong đôi mắt mệ hấp háy những niềm vui khi kể chuyện, rồi mệ khoe những tấm ảnh mọi người chụp mệ năm 2022, mệ Tuyết được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”, hay ảnh mệ được Đài truyền hình Quốc gia vinh danh trong chương trình Điều tử tế, hay hình ảnh mệ những lần được các tổ chức, diễn đàn, trường đại học ở Huế mời đến làm talkshow, nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, lan tỏa những câu chuyện sống đẹp, tử tế đến mọi người. Nhìn vóc người nhỏ nhắn, mái tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen thường được mệ búi gọn ở phía sau, không ai nghĩ rằng người đàn bà ở cái tuổi xế chiều đó lại âm thầm làm những việc vĩ đại. Mệ đã tích cóp số tiền lãi bán hương, nón lá, trầm, những món quà lưu niệm nhỏ nhắn như vòng tay, chuỗi hạt, móc khóa… để giúp bệnh nhân ung thư.
Nắng nghiêng ngả trên đồi Vọng Cảnh, mệ tiễn khách rồi lui cui sắp xếp lại những bó chân hương hơi xộc xệch. Dáng mệ liêu xiêu trong nắng chiều, vài sợi tóc bay bay trước trán. Đã ở cái tuổi 76, mẹ không còn nhiều sức lực để làm nhiều hơn những điều tử tế như năm hay mười năm trước nữa, nhưng nguyện ước cuối cùng của mệ cho những bệnh nhân ung thư vẫn còn đó, đầy ngọt ngào và hy vọng, biết làm sao để nói được lời cảm ơn với người như mệ Tuyết, đến cuối cùng vẫn đau đáu với những phận người kém may mắn kia.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ba-lao-o-lang-huong-post72897.html