Ba 'liều thuốc' để kinh tế toàn cầu phục hồi trong năm 2021

QĐND - Trong một bài viết được đăng tải mới đây trên trang web chính thức của kênh truyền hình CGTN, chuyên gia He Weiwen thuộc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa-một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, có ba 'liều thuốc' để khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Điều kiện tiên quyết là kiểm soát đại dịch. Theo ông He Weiwen, việc khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc chủ yếu vào các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. “Tuy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát dịch bệnh cần phải được xử lý cùng lúc nhưng kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quan trọng hơn. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ và phân phối bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu”, bài viết nhấn mạnh. Mặc dù vậy, bài viết cũng cho rằng phong tỏa, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở bất cứ nơi nào cần thiết vẫn cần phải tiếp tục được áp dụng. Tất cả các nước trên thế giới cần đoàn kết và hợp tác mạnh mẽ “vì thành công cuối cùng”. “Xét tới việc không thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang dưới danh nghĩa “tự do cá nhân” ở một số nơi, thế giới sẽ vẫn còn phải đi một chặng đường dài trước khi trở nên an toàn”, bài viết nêu rõ.

Người dân tại thị trấn Chesterfield của Anh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tháng 2-2021. Ảnh: Reuters

Người dân tại thị trấn Chesterfield của Anh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tháng 2-2021. Ảnh: Reuters

Cùng với kiểm soát đại dịch, ông He Weiwen cho rằng cần phải bảo đảm khôi phục tăng trưởng kinh tế “cho tất cả”. Hệ lụy trực tiếp của dịch Covid-19 và tình trạng suy thoái kinh tế đang làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, cả ở trong phạm vi từng quốc gia lẫn giữa các quốc gia trên thế giới. Bài viết khẳng định, chính các quốc gia có thu nhập thấp đã chịu tác động “đặc biệt nặng nề” và người nghèo là nhóm đối tượng “bị tổn thương đặc biệt” trước việc đóng cửa các nhà máy, hàng quán, trường học. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đại dịch có thể “đẩy thêm khoảng 88-115 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm 2020 và con số này có thể lên tới 150 triệu người trong năm 2021”. Do đó, những bước tiến trong công tác xóa đói giảm nghèo ở châu Phi trong suốt 10 năm qua có thể “đã phần nào bị xóa bỏ”. Thậm chí ngay cả nước Mỹ-nền kinh tế lớn nhất thế giới-cũng chứng kiến sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. “Các chính sách kinh tế vĩ mô cả trong nước và quốc tế đều cần ưu tiên cứu trợ người nghèo và các nhóm người dễ bị tổn thương khác, trong đó có việc cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho những đối tượng này cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để duy trì và tạo công ăn việc làm. Chính phủ các quốc gia, với sự hỗ trợ của các thể chế quốc tế và sự góp sức của các doanh nghiệp tư nhân, cần triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng về nhà ở, chăm sóc y tế, điện, nước, trường học”, bài viết nhấn mạnh.

Theo ông He Weiwen, việc khôi phục tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chỉ ra rằng, cùng với nhiều yếu tố khác, “việc số hóa nền kinh tế và các kỹ năng số” đã đóng góp vào “sự kiên cường của các quốc gia giữa đại dịch”. “Điều đó cho thấy những lợi thế của nền kinh tế số”, ông He Weiwen nhấn mạnh. Vị chuyên gia này lưu ý rằng, chính phủ các quốc gia cần cân đối giữa phát triển công nghệ và tạo công ăn việc làm cho người dân, trong đó ưu tiên tạo công ăn việc làm. Nói cách khác, “tiến bộ công nghệ không nên chỉ đơn thuần là công cụ để người giàu thu được thêm nhiều của cải hơn”. “Các quốc gia khác nhau với mức độ phát triển khác nhau cần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Các quốc gia phát triển cần hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia có thu nhập thấp hơn với sự phối hợp của các tổ chức quốc tế để nền kinh tế thế giới phục hồi theo hướng cân bằng hơn”, bài viết nhấn mạnh.

“Liều thuốc” thứ ba, theo ông He Weiwen, là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Việc Tổng thống Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính là một thay đổi tích cực. “Việc khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ trở nên bất khả thi nếu tất cả các quốc gia không ủng hộ chủ nghĩa đa phương... Năm 2021 sẽ là một năm mà chúng ta hy vọng có thể thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước đối với tất cả người dân trên thế giới. Hãy cùng chung tay chiến đấu hướng đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả người dân trên hành tinh của chúng ta”, ông He Weiwen kết thúc bài viết.

HOÀNG VŨ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=155521