Ba lô hỗ trợ người khiếm thị

Các phương tiện và rô-bốt tự điều khiển sử dụng bộ cảm biến cũng như camera phức tạp để nhận biết môi trường xung quanh.

Hệ thống hỗ trợ có thể nhận diện biển báo giao thông.

Hệ thống hỗ trợ có thể nhận diện biển báo giao thông.

Trong khi đó, những người khiếm thị thường sử dụng gậy hoặc chó dẫn đường. Giờ đây, các nhà khoa học đã phát triển một hệ thống ba lô được kích hoạt bằng giọng nói.

Thiết bị này có thể theo dõi các chướng ngại vật trong thời gian thực và mô tả môi trường xung quanh một người.

Hệ thống hỗ trợ thị giác mới này được thiết lập từ một số thành phần không quá cồng kềnh. Hệ thống có thể chỉ là một chiếc túi đeo, ba lô hay tai nghe. Nhóm nghiên cứu cho biết, việc che giấu các thiết bị điện tử là mục tiêu chính. Vì vậy, người dùng sẽ không dễ dàng bị nhận ra là đang sử dụng thiết bị.

Chiếc ba lô được thiết kế để chứa hàng loạt máy ảnh. Cụ thể, bao gồm một máy ảnh 4K cung cấp thông tin màu sắc và một cặp máy ảnh hình nổi. Thông tin trực quan này sau đó được đưa đến bộ não của người sử dụng.

Ngoài ra, trong ba lô sẽ có một đơn vị tính toán như máy tính xách tay hoặc Raspberry Pi chạy giao diện AI có tên là OpenCV’s Artificial Intelligence Kit with Depth (OAK-D). Thiết bị này sử dụng mạng thần kinh để phân tích dữ liệu hình ảnh. Nó cũng chứa pin di động cung cấp thời gian sử dụng lên đến 8 giờ và bộ GPS kết nối USB.

Sau đó, dữ liệu hình ảnh sẽ được chuyển tiếp qua Bluetooth tới một cặp tai nghe, cho phép người dùng biết mọi thứ xung quanh họ. Hệ thống có thể cảnh báo các chướng ngại vật với hình dạng, kích thước và loại khác nhau, bằng cách sử dụng các bộ mô tả như phía trước, trên, dưới, trái, phải và giữa.

Ví dụ, hệ thống có thể thông báo cho ai đó đang đi bộ trên đường rằng, họ đang đến gần một thùng rác ở “dưới cùng, bên trái”. Hệ thống thậm chí có thể nhận ra những vật như biển báo “Dừng lại”. Người dùng cũng có thể sử dụng giọng nói để hỏi thêm thông tin. Khi đó, thiết bị sẽ phản hồi bằng cách mô tả những gì xung quanh người dùng.

Hiện tại, ngày càng nhiều các công cụ hỗ trợ công nghệ cao dành cho người khiếm thị, như gậy chiếu tia laser cảm nhận các vật thể và sự thay đổi địa hình. Hay, vòng cổ dẫn hướng của Toyota kêu vang ở bên trái hoặc phải giúp người dùng biết khi nào nên rẽ.

Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ mới này được cho là chi tiết hơn nhiều và có khả năng cho phép người có tầm nhìn hạn chế điều hướng một cách độc lập.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ba-lo-ho-tro-nguoi-khiem-thi-6mtMCnlGg.html