Ba lưu ý quan trọng của công việc biên tập

Bản thảo của một phóng viên dù là người có nhiều kinh nghiệm, giỏi, với một đề tài hay... thì vẫn cần có sự 'góp sức' của người biên tập, bao gồm biên tập viên và một số lãnh đạo của cơ quan báo chí. Người biên tập không chỉ thẩm định để xem bài viết có thể đăng được không, đăng vào lúc nào... mà còn góp phần làm bản thảo hoàn chỉnh hơn, hay hơn. Để làm được điều này, có 3 lưu ý quan trọng cho công việc của người biên tập.

Bản thảo của một phóng viên dù là người có nhiều kinh nghiệm, giỏi, với một đề tài hay... thì vẫn cần có sự “góp sức” của người biên tập, bao gồm biên tập viên và một số lãnh đạo của cơ quan báo chí. Người biên tập không chỉ thẩm định để xem bài viết có thể đăng được không, đăng vào lúc nào... mà còn góp phần làm bản thảo hoàn chỉnh hơn, hay hơn. Để làm được điều này, có 3 lưu ý quan trọng cho công việc của người biên tập.

Biên tập viên VTV

Biên tập viên VTV

Lưu ý thứ nhất: Đúng“

Đúng” là nguyên tắc tối quan trọng của một tác phẩm báo chí. Một tác phẩm hay, hấp dẫn người đọc nhưng không đúng hoặc có sai sót thì không chỉ làm giảm cái hay, cái hấp dẫn đó mà còn có thể phá hỏng tác phẩm. Các yếu tố “đúng” ở đây gồm:

- Đúng chủ trương, đường lối, pháp luật.Một tác phẩm báo chí trước tiên phải đảm bảo không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số tác phẩm tưởng như thuần túy khoa học, tư liệu nhưng nếu không đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng bị “đánh hỏng”, tức khó có thể sử dụng. Chẳng hạn, khi viết về biển đảo nhưng nếu không tuân thủ các yêu cầu quan điểm về chủ quyền, về các vấn đề nên tránh, các thuật ngữ... thì phải biên tập lại (chỉnh sửa, lược bỏ...) hoặc không thể sử dụng được.

- Đúng sự thật. Là một yêu cầu quan trọng của tính trung thực của nhà báo. Trước hết, sự thật là sự thật vốn có của sự kiện, sau đó là đúng về tên nhân vật, địa điểm, thời gian... của sự kiện đó. Người biên tập nên rèn thói quen “lật ngược vấn đề” hay đóng vai một “người đọc khó tính” để “vặn vẹo”, “bắt bẻ” các chi tiết trong bài viết, nếu cần có thể nghe phóng viên “giải trình” để xem phóng viên có nắm chắc vấn đề hay không.

- Đúng logic. Là sự đúng đắn về mặt lập luận. Cùng lượng thông tin, tư liệu, số liệu đó nhưng cách lập luận khác nhau có thể đem đến hiệu quả khác nhau cho bài báo. Người biên tập phải tìm cho ra các điểm không logic (nếu có) và chỉnh sửa; trong trường hợp dù đã phát hiện có “vấn đề” về mặt lập luận nhưng không thể làm cho đúng logic thì phải trao đổi với tác giả chuyển hướng bài viết hoặc phải bỏ bản thảo.

- Các số liệu chính xác. Nói chung, các số liệu phụ thuộc vào sự thu thập của tác giả, bản thân người biên tập khó có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do số liệu “đá nhau” hoặc không hợp lý hoặc không phù hợp với số liệu của những nguồn khác thì người biên tập cần phải đối chiếu để làm rõ hoặc đề nghị tác giả xác minh!

- Đúng ngữ pháp, chính tả. Là trách nhiệm thường xuyên nhất của người biên tập, nhất là các biên tập viên. Có một số phóng viên thiếu cẩn trọng, hay “dựa vào” sự chặt chẽ của “người gác cổng” nên lơ là việc chỉn chu về mặt chữ nghĩa. Người biên tập khi xử lý bản thảo phải luôn trong tâm thế của một “tỉnh táo viên” để phát hiện các lỗi và kịp thời sửa chữa, trước khi đưa đi in.

Lưu ý thứ hai: Hay hơn

Bản thảo qua tay người biên tập xử lý thành một văn bản mới tuy đảm bảo đúng nhưng nếu trở nên dở hơn hoặc có trúc trắc, rối rắm về mặt cấu trúc, diễn đạt... thì không chỉ người biên tập, tòa soạn mất uy tín với tác giả mà còn làm giảm sự hấp dẫn đối với người đọc. Do đó, khi biên tập, người biên tập nên hiểu rõ và hiểu đúng xem tác giả muốn nói điều gì, bản thân mình có hiểu như tác giả không, đồng thời đặt mình vào vị trí của tác giả để tự xác định xem khi ta biên tập như thế thì tác giả sẽ phản ứng ra sao...

Yếu tố “hay hơn” trước hết phải dựa trên cái “nền” là cơ bản đảm bảo ý, tứ, mục đích của tác giả. Chẳng hạn, tác giả nêu ra bốn luận cứ với các luận chứng để giải quyết một vấn đề, trở thành một chỉnh thể, nhưng khi biên tập vì thấy rằng bốn luận cứ này dài quá, trong đó có một bản thân cho rằng không phù hợp mà cắt bỏ đi một, còn lại ba. Tuy nhiên, vì còn ba nên không đủ lý lẽ để giải quyết vấn đề, làm cho lập luận trở nên lỏng lẻo, thiếu thuyết phục.

Đôi lúc, do không hiểu các từ chuyên môn, các phương ngữ hoặc “từ lóng chuyên ngành” hoặc hiểu nhưng không cảm thấy những từ đó thực sự quan trọng mà người biên tập chỉnh sửa lại theo ý mình cũng có thể làm sai hoặc làm khác nghĩa đi. Khi đã không đúng (ý tác giả) thì khó làm cho hay hơn được, thậm chí có thể việc biên tập đó đã phá hỏng tác phẩm.

Yếu tố “hay hơn” dĩ nhiên thể hiện ở cách lập luận, cách đặt vấn đề, cách diễn đạt, cách dùng từ, cách bố cục... Có khi chỉ cần “bóc” một ý nào đó trong bài để làm chapeaux hoặc đưa vào box, thêm các tít xen, đặt lại tít chính, sắp xếp lại trật tự các ý, đem số liệu chỗ này minh họa cho chỗ kia hợp lý hơn… thì bài viết trở nên “sáng hơn”, mạch lạc hơn, hay hơn, thuyết phục hơn. Do đó, người biên tập phải nghiền ngẫm, đọc kỹ bản thảo để tìm ra cách biên tập hợp lý nhất, tránh được tình trạng chữa đúng thành sai, sửa hay thành dở.

Cuối cùng, sự “hay hơn” còn thể hiện ở các yếu tố kỹ thuật. Khả năng làm tăng tính hàm súc, cô đọng trở thành một yêu cầu quan trọng của bất kỳ biên tập viên nào. Hay việc sử dụng các từ, cụm từ “đắt” cũng có ý nghĩa không kém bởi nó không chỉ làm “sáng” điều tác giả muốn nói mà còn có thể giúp người đọc nhớ lâu hơn, thuyết phục người đọc hơn, từ đó tăng uy tín của người biên tập với tác giả, tăng uy tín của tờ báo đối với bạn đọc.

Trong nghề có câu “đỏ bài”, chỉ bản thảo mắc lỗi quá nhiều.

Trong nghề có câu “đỏ bài”, chỉ bản thảo mắc lỗi quá nhiều.

Lưu ý thứ ba: Giữ được văn phong của tác giả

Đôi lúc, sự can thiệp quá nhiều hoặc quá thô bạo có thể làm mất văn phong của tác giả. Văn phong tạo nên sự khác biệt giữa cây bút này với cây bút khác và cũng vì thế tạo nên “thương hiệu” cho các cây bút đó. Do vậy, người biên tập nên chú ý giữ văn phong cho tác giả, nhất là các cộng tác viên là người nổi tiếng.

Với những tác giả chưa thể hiện được văn phong, người biên tập cũng nên lưu ý giữ những cách dùng từ, đặt câu, cách diễn đạt, nên tôn trọng cái tôi của tác giả và không nên thể hiện cái tôi áp đặt của người biên tập quá nhiều. Sự can thiệp cũng chỉ nhằm làm tác phẩm đúng và hay hơn có thể.

*

Ba lưu ý trong công việc biên tập trên đây theo tính chất quan trọng giảm dần. Người biên tập trước hết phải đảm bảo tác phẩm đúng trước khi được đăng trên mặt báo. Nếu không đúng thì cái hay có thể trở nên không cần thiết hoặc vô nghĩa. Chỉ khi đã đúng thì mới cần hay và hay hơn. Cũng như khi đã đúng và hay thì mới nên tiếp tục quan tâm đến văn phong hay nét riêng của tác giả.

TRỊNH MINH GIANG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ba-luu-y-quan-trong-cua-cong-viec-bien-tap-post296845.html