Ba lý do chứng khoán Mỹ có thể lập đỉnh mới trong năm nay

Chiến lược gia trưởng về thị trường của Carson Group chỉ ra 3 lý do chính S&P 500 có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay...

Kể từ năm 1950, chỉ số S&P 500 đã có 22 lần tăng ít nhất 10% vào nửa đầu năm, và trong đó có 18 lần tăng trung bình 10% vào nửa cuối năm.

Kể từ năm 1950, chỉ số S&P 500 đã có 22 lần tăng ít nhất 10% vào nửa đầu năm, và trong đó có 18 lần tăng trung bình 10% vào nửa cuối năm.

Theo dự báo của chiến lược gia trưởng về thị trường Ryan Detrick của Carson Group, dù từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 14%, chỉ số S&P 500 có thể sẽ còn tăng thêm nữa trong nửa còn lại của năm.

Bình luận lạc quan này không nhận được sự đồng tình của nhiều chiến lược gia bởi họ cho rằng sự tăng giá gần đây đơn thuần chỉ là sự phục hồi của thị trường giá xuống. Giữa tháng 10 năm ngoái, chỉ số S&P chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, một báo cáo công bố mới đây, ông Detrick chỉ ra 3 lý do chính S&P 500 có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay.

CÁCH KHÔNG XA MỨC KỶ LỤC

Tuần trước, S&P 500 giao dịch ở mức trên 4.400 điểm, chỉ còn cách vài trăm điểm so với kỷ lục 4.818 điểm ghi nhận vào tháng 1/2022. Với mức khoảng 4.370 điểm hiện tại, chỉ số này cần tăng khoảng 10% nữa để thiết lập một kỷ lục mới.

“Điểm mấu chốt là giới đầu tư vẫn đang tăng tỷ trọng với cổ phiếu và giảm tỷ trọng với trái phiếu. Do đó, cổ phiếu đang cách không quá xa mức đỉnh”, ông Detrick phân tích. "Chỉ cần thêm vài tin tốt nữa, chỉ số S&P 500 có thể tăng tới 18%, mức đủ để thiết lập đỉnh mới”.

Hơn nữa, lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán thường mạnh lên vào cuối năm sau khi đã có một khởi đầu tốt trong nửa đầu năm.

“Khởi đầu tốt trong nửa đầu năm thường sẽ tiếp tục tốt đẹp trong nửa còn lại của năm”, chiến lược gia của Carson Group nhận định.

Ông dẫn chứng, kể từ năm 1950, chỉ số S&P 500 đã có 22 lần tăng ít nhất 10% vào nửa đầu năm, và trong đó có 18 lần tăng trung bình 10% vào nửa cuối năm.

XU HƯỚNG TĂNG ĐIỂM ĐANG MỞ RỘNG

Dù từ đầu năm, S&P 500 chủ yếu được thúc đẩy bởi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn, xu hướng này đang bắt đầu thay đổi khi ngày càng nhiều cổ phiếu khác tăng giá mạnh.

“Đó là một dấu hiệu nội tại đầy lạc quan cho thị trường chứng khoán và cho thấy tính bền vững của xu hướng phục hồi đang diễn ra. Bằng chứng gần đây nhất là chỉ số VS-ADL (đường tăng-giảm) của S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước”, ông Detrick chỉ ra.

Đường tăng giảm là một chỉ báo kỹ thuật đo lường số lượng cổ phiếu riêng lẻ tham gia vào xu hướng của thị trường. Diễn biến của chỉ số này gần đây cho thấy độ rộng - hay sự tham gia của các cổ phiếu riêng lẻ vào xu hướng đi lên của thị trường - đang bắt đầu tăng.

“Đường tăng-giảm của S&P 500 vừa ghi nhận kỷ lục mới vào tuần trước. Đây là một tín hiệu lạc quan mới cho thấy xu hướng đi lên sẽ còn tiếp tục đi lên nữa”, vị chiến lược gia nhận định.

Thông thường, trong những thời điểm thị trường chứng khoán đạt đỉnh, giá cổ phiếu thường tăng lên khi độ rộng của thị trường giảm xuống. Ở thời điểm hiện tại, cả giá cổ phiếu và độ rộng của thị trường đều tăng. Điều này khiến ông Detrick tin rằng thị trường sẽ còn tiếp tục đi lên.

“Chúng tôi dự báo giá cổ phiếu sẽ lập các kỷ lục mới cùng với độ rộng của thị trường, như nhiều lần từng xảy ra trước đây và điều này rất có thể sẽ xảy ra trong năm nay”, ông Detrick nói.

THỊ TRƯỜNG SẼ KHÔNG ĐI XUỐNG

Theo chiến lược gia trưởng về thị trường của Carson Group, kể cả sau một đợt bán tháo năm nay, thị trường phục hồi ngay hôm sau.

“Thị trường đơn giản là không muốn đi xuống”, ông Detrick viết trong báo cáo. “Chỉ số S&P 500 tăng bình quân 0,27% sau một phiên giảm và đây là một trong những mức lợi nhuận tốt nhất của chỉ số này từ năm 1928”.

Ông cho rằng đây là một lý do nữa để lạc quan về thị trường chứng khoán Mỹ năm 2023.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ba-ly-do-chung-khoan-my-co-the-lap-dinh-moi-trong-nam-nay.htm