Ba lý do đề xuất giáo viên không gọi học sinh là 'con' của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Xung quanh nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm giáo viên không gọi học sinh là 'con', nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho biết, ông đưa ra đề xuất trên dựa trên ba lý do.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, cách xưng hô “con” là trong mối quan hệ gia đình, không nên sử dụng trong các mối quan hệ xã hội như giáo viên - học sinh.

Ông Ân đồng thời đề xuất với Bộ GDĐT sớm thảo một quy chế thống nhất cách xưng hô trong nhà trường nói chung mà trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là giáo viên không gọi học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

Quan điểm giáo viên không gọi học sinh là con của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân được đăng trên trang Facebook cá nhân đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Quan điểm giáo viên không gọi học sinh là con của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân được đăng trên trang Facebook cá nhân đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên, ông Ân cho biết, ông đưa ra đề xuất trên bởi ba lý do.

Thứ nhất, cách gọi học sinh là "con" không phù hợp bối cảnh hiện này. Học sinh thời nay bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tính hòa nhập quốc tế cao hơn trước đây.

Các đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Pháp... chỉ đơn giản là "tôi", "bạn", không có nhiều ngữ nghĩa như tiếng Việt. Do đó để học sinh hòa nhập tốt hơn thì nên đơn giản hóa các đại từ nhân xưng.

Ông Ân cho hay, nếu thay đổi cách xưng hô như ông đề xuất thì trẻ sẽ không còn thắc mắc sao lúc cô gọi học trò lúc là con, lúc lại em.

Thứ hai, theo ông Ân, giáo viên gọi học sinh là con rất phản cảm. Từ này chỉ dành cho các bậc sinh thành gọi con cái của họ. Giáo viên chỉ nên làm đúng chức năng của mình là giáo dục.

Do đó, đại từ nên đổi thành "các em”, “các trò”, “các anh/chị”,... cho phù hợp.

Thứ ba, việc thống nhất cách xưng hô giữa giáo viên, học sinh, sinh viên là tiền đề, bước đệm cho việc thống nhất cách gọi giữa các mối quan hệ khác trong xã hội.

Ví dụ, trong cơ quan, thay vì gọi "anh - em", "chú - cháu", "cậu - tớ" nên đổi lại thành "tôi - đồng chí", "anh - chị" để đảm bảo sự khách quan, không mang yếu tố thân tình ảnh hưởng đến công việc.

Ông Ân nêu, trước năm 1945, học sinh và người dạy học xưng hô chung là thầy - trò. Từ "con" bắt nguồn từ khi có cấp học mầm non, sau đó mở rộng phổ biến lên bậc tiểu học, THCS, THPT và dần trở thành phổ biến trong trường học như hiện nay.

Tuy nhiên khi so sánh với các nước khác như Anh, Singapore, Mỹ, cách xưng hô chỉ đơn giản là “cô - trò”, “tôi - các bạn”, “tôi - các em”.

“Họ xưng hô như vậy nhưng chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo, không bị ảnh hưởng. Không thể cho rằng thay đổi cách gọi sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục”, ông Ân nêu quan điểm.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ba-ly-do-de-xuat-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con-cua-nha-nghien-cuu-lai-nguyen-an-5679785.html