Ba lý do Nghị định 100 sớm đi vào cuộc sống
Sau 1 năm triển khai thực hiện, đến thời điểm này có thể nói Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống.
Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 góp phần thay đổi hành vi, thói quen của nhiều người tham gia giao thông. Ảnh: Tạ Hải
Để có được kết quả trên, trước tiên phải kể đến là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ việc xây dựng đến tổ chức thực hiện Nghị định 100 trong thời gian ngắn, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sát sao từng nội dung.
Nhờ có chỉ đạo này nên Nghị định 100 đã ban hành kịp thời và được triển khai quyết liệt, duy trì liên tục.
Thứ hai là Nghị định 100 tăng nặng chế tài đối với những hành vi có tính chất nguy hiểm, uy hiếp ATGT cao như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ.
Thứ 3 là Nghị định 100 đã quy định để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bao gồm cả việc sử dụng hình ảnh từ người dân cung cấp để xử phạt vi phạm.
Ba nội dung nổi bật trên trong Nghị định 100 làm thay đổi có tính chất bước ngoặt trong việc giảm TNGT năm 2020 xuống dưới 7.000 người.
Điều sâu xa, quan trọng hơn là làm thay đổi nhận thức của người dân. Người dân đã nhận thức đúng về những hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả là bị tai nạn và bị xử phạt nặng.
Việc đẩy mạnh gắn camera giám sát, sử dụng dữ liệu từ người dân cung cấp giúp cho người vi phạm thấy rằng, nếu mình vi phạm, bất cứ khi nào cũng sẽ bị phát hiện và bị xử phạt.
Ngoài rượu, bia, số hành vi bị xử phạt ít hơn năm trước cho thấy đã có sự thay đổi triệt để. Người dân đi xe trên quốc lộ hay đường cao tốc biết nguy cơ sẽ bị xử phạt nếu vi phạm.
Khi đó họ sẽ không đi quá tốc độ, không đi sai làn, không vượt đèn đỏ vì biết đang bị giám sát. Cũng giống như trước đây bắt buộc đội mũ bảo hiểm, từ đó đã hình thành thói quen đối với người dân khi tham gia giao thông.
Từ nhận thức đúng này giúp thay đổi hành vi, người dân khi đã uống rượu, bia không điều khiển xe cá nhân và đi bằng phương tiện công cộng. Khi biết người nào đó phải lái xe thì không ai ép uống rượu, bia nữa.
Đây là thay đổi quan trọng nhất, hiệu quả đích thực, quan trọng nhất, có tính chiều sâu và bền vững của Nghị định 100 đối với công tác đảm bảo ATGT nói riêng và với xã hội nói chung.
Điều này giải thích tại sao Chủ tịch Quốc hội đánh giá Nghị định 100 là điển hình trong xây dựng và thực thi pháp luật. Nếu quy định pháp luật nào cũng được triển khai từ xây dựng đến tổ chức thực hiện như Nghị định 100 thì liệu rằng có vi phạm hành lang ATGT, có lấn chiếm vỉa hè lòng đường, có “xe dù, bến cóc”, có vi phạm trật tự đô thị...hay không? Nếu cũng thực hiện với tình thần Nghị định 100, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều.
Để Nghị định 100 tiếp tục đi vào cuộc sống, điều quan trọng chúng ta hướng đến là xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho toàn xã hội, hình thành một thói quen, một loại phản ứng có điều kiện là cứ tham gia giao thông là tuân thủ pháp luật.
Để có được điều này cần phải duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, duy trì để người dân luôn luôn có niềm tin rằng: Nếu chấp hành nghiêm quy định pháp luật thì an toàn.
Ngược lại, nếu vi phạm sẽ bị phát hiện và sẽ bị xử phạt. Qua đó, giúp họ có niềm tin vững chắc vào pháp luật. Đó cũng chính là niềm tin vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đảm bảo trật tự ATGT của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gửi đến người dân những thông tin ngày càng đầy đủ, minh bạch về các quy định pháp luật; về quá trình, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện của lực lượng tuần tra, kiểm soát; vận động người dân ủng hộ, phối hợp với lực lượng thực thi nhiệm vụ trong quá trình đảm bảo ATGT.
Năm nay, khẩu hiệu năm ATGT sẽ là “Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong đảm bảo trật tự ATGT”. Nghị định 100 là điển hình để tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật, duy trì tuần tra, kiểm soát, xử phạt.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh lắp camera giám sát, thực hiện hiệu quả việc kêu gọi người dân gửi thông tin, hình ảnh vi phạm ATGT cho lực lượng chức năng để xử phạt.
Mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật phải nêu gương về thực thi pháp luật, nhân văn, tận tụy, tận tâm vì dân phục vụ. Đồng thời phải minh bạch, công khai, liêm chính để tạo lòng tin cho người dân.