Ba lý do Trung Quốc đẩy mạnh bán drone chiến đấu giá rẻ
Hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu máy bay không người lái quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các chính sách quốc phòng của khách hàng và đặt Bắc Kinh vào vị trí một đối tác chiến lược, thay thế Mỹ.
Algeria và Ai Cập là những quốc gia mới nhất dự kiến tiếp nhận máy bay không người lái (drone) CH-5 và Wing Loong của Trung Quốc. Những thương vụ này đã nhấn mạnh thêm chiến lược tiếp thị toàn cầu ngày càng thành công của Bắc Kinh sau khi Mỹ hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang cho các đồng minh thân cận từ năm 2020.
Algeria gần đây công khai xác nhận đơn đặt hàng 6 máy bay không người lái CH-5 sẽ được giao vào tháng 3 năm nay, trong khi đồng minh của Mỹ là Ai Cập đang đàm phán với Trung Quốc để nhận thêm máy bay không người lái Wing Loong cho không quân.
CH-5 của Trung Quốc gần giống với MQ-9 Reaper của Mỹ, với kích thước gần như tương tự và khả năng duy trì hoạt động trên không trong hơn 30 giờ khi mang theo sáu tên lửa.
Chiếc Wing Loong của Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh với MQ-9 của Mỹ, mặc dù nó được thiết kế chủ yếu để trinh sát và giám sát. Trong biên chế của không quân Ai Cập, Wing Loong đã từng tham chiến chống lại khủng bố IS ở khu vực bán đảo Sinai.
Máy bay không người lái của Trung Quốc tương đối rẻ và các tùy chọn thanh toán thường linh hoạt, do đó đặc biệt thu hút các quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế, mang lại cho Bắc Kinh một chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường máy bay không người lái toàn cầu.
Xem video drone chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc, Cai Hong 5 (Nguồn: CCTV)
Tuy nhiên, từ góc độ rộng hơn, hoạt động bán ra rộng rãi của drone Trung Quốc cũng như các loại vũ khí tiên tiến khác, được thúc đẩy nhiều bởi các cân nhắc chiến lược, chính sách đối ngoại cũng như lợi ích kinh tế. Hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này của Bắc Kinh cũng có thể được hiểu là dấu hiệu cho thấy sức mạnh chính trị, công nghệ và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các đối tác và cả đối thủ.
Trung Quốc được cho là có 3 lợi ích chính đằng sau các hợp đồng bán vũ khí:
Cơ hội tiếp cận chính trị, quân sự
Đây thường là cơ hội để tiếp cận chính trị và quân sự sâu hơn tới các quốc gia khách hàng, vì mua sắm vũ khí công nghệ cao nhất thiết phải là giao dịch cấp cao giữa chính phủ với chính phủ. Với việc bán máy bay không người lái, Trung Quốc có thể giữ lại một số công nghệ và bí quyết nhất định để khiến khách hàng phụ thuộc vào hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì của họ.
Như vậy, Trung Quốc có thể sử dụng máy bay không người lái của mình như một công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả đối với các quốc gia khách hàng có các nguồn lực và vị trí chiến lược quan trọng đối với lợi ích của Bắc Kinh, chẳng hạn như Myanmar, Iraq, Pakistan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác.
Xem chiếc Wing Loong trình diễn tại Airshow China 2021 (Nguồn: News China TV)
Myanmar và Pakistan là những nút quan trọng trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng địa chiến lược Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong khi Iraq, Saudi Arabia và UAE là những quốc gia giàu dầu mỏ cung cấp một phần đáng kể nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Các quốc gia khách hàng của Trung Quốc này có những ràng buộc về tài chính hoặc chính trị khiến họ không thể mua vũ khí của Mỹ, hoặc họ đang chủ ý nâng cao tính độc lập chiến lược bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí.
Duy trì cân bằng quân sự giữa quốc gia khách hàng và đối thủ của Trung Quốc
Xuất khẩu vũ khí công nghệ cao có thể giúp Trung Quốc duy trì sự cân bằng quân sự giữa các quốc gia khách hàng và đối thủ của họ.
Việc Trung Quốc gần đây bán máy bay chiến đấu J-10C, khinh hạm Type 054 và xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 cho Pakistan càng củng cố thêm cán cân sức mạnh của họ trước Ấn Độ. Các hợp đồng đó sẽ chuyển hướng chú ý chiến lược, tài sản quân sự và tài nguyên của Ấn Độ ra khỏi tranh chấp biên giới với Trung Quốc ở khu vực Himalaya, quay trở lại Pakistan, nơi mà New Delhi coi là mối đe dọa tức thời hơn.
Máy bay không người lái và pháo rocket của Trung Quốc là công cụ giúp chính phủ Ethiopia đánh bại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một tổ chức ủy nhiệm vũ trang của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sừng châu Phi - cửa ngõ vào Biển Đỏ.
Nếu TPLF chiếm được thành công thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và nắm giữ quyền lực chính trị, thì rất có thể lực lượng này sẽ mang lợi ích cho Mỹ, khi đóng vai trò là một đối trọng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước láng giềng Eritrea.
Định vị vị thế đối tác chiến lược, thay thế Mỹ
Việc bán vũ khí của Trung Quốc nhằm mục đích định vị nước này như một đối tác chiến lược thay thế cho Mỹ, làm nổi rõ những thiếu sót của Mỹ trong khi nâng cao vị thế, ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Mỹ là quốc gia bảo đảm an ninh lâu năm cho Saudi Arabia nhưng việc nước này rút quân thảm hại khỏi Afghanistan và xoay trục chiến lược từ Trung Đông sang Thái Bình Dương có thể khiến Riyadh nghi ngờ về cam kết quân sự của Washington.
Năm ngoái, Trung Quốc và Saudi Arabia đã đàm phán về việc chuyển giao các thiết bị cần thiết để quốc gia Arab tự sản xuất tên lửa đạn đạo, báo hiệu sự chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ.