Bà mẹ trẻ nhất thế giới, sinh con khi mới 5 tuổi
Năm 1939, cậu bé Gerardo (Peru) chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,7 kg. Điều đáng chú ý là người mẹ của cậu chỉ mới 5 tuổi.
Lina Medina sinh ra trong một gia đình nghèo ở Andes, Peru. Năm 1939, cô bé Lina, khi đó mới 5 tuổi, thường xuyên bị đau bụng. Mẹ của cô để ý thấy bụng Lina ngày càng to. Các bác sĩ nghĩ rằng cô bé có khối u lớn trong bụng.
Nhưng sau khi xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện cô bé đang mang bầu 7 tháng.
Để chắc chắn không nhầm lẫn, bác sĩ Gerardo Lozada ở Bệnh viện tỉnh Castrovirreyna thậm chí đã đưa Lina tới thủ đô Lima kiểm tra lại và xác thực chuyện cô bé có mang bầu hay không. Kết quả thăm khám sau đó khẳng định chẩn đoán của ông Gerardo là chính xác.
Vài tuần sau, Lina hạ sinh một bé trai khỏe mạnh với cân nặng 2,7 kg. Vì khung xương chậu còn quá nhỏ, cô bé buộc phải sinh bằng phương pháp mổ. Bé trai được đặt tên là Gerardo, giống với tên của bác sĩ đã đỡ đẻ cho Lina.
Theo History Channel, khi Gerardo chào đời, bác sĩ phát hiện dù chỉ mới 5 tuổi, Lina đã có cơ quan sinh dục trưởng thành và mắc phải hội chứng dậy thì sớm. Theo thông tin từ mẹ của Lina, cô bé có kinh nguyệt từ năm 3 tuổi.
Người cha của Lina bị cho là thủ phạm khiến cô bé mang thai và ông bị bắt ngay sau đó. Tuy nhiên, ông này được trả tự do vì thiếu chứng cứ. Cho tới nay, danh tính thực sự về người cha của bé Gerardo vẫn chưa được tiết lộ.
Khi lớn lên, Gerardo luôn tin rằng Lina là chị gái của mình nhưng đến năm 10 tuổi, mọi người nói với cậu rằng cô là mẹ của mình. Gerardo lớn lên khỏe mạnh nhưng qua đời sớm ở tuổi 40 vào năm 1979 vì mắc phải một căn bệnh về xương.
Lina hiện đã 85 tuổi và vẫn sống ở Peru. Bà kết hôn vào năm 1970 và sinh con trai thứ 2 khi 39 tuổi. Sau 80 năm, bà vẫn là "người phụ nữ trẻ nhất thế giới khi sinh con".
Lý giải của khoa học
Câu chuyện về người mẹ trẻ tuổi nhất thế giới thu hút đông đảo dư luận quan tâm. Tiến sĩ Edmundo Escomel, một trong những bác sĩ giỏi nhất Peru, đích thân tiến hành nghiên cứu.
Các bác sĩ phát hiện Lina mắc phải hội chứng dậy thì sớm. Cứ 10.000 đứa trẻ sẽ có một em mắc tình trạng này.
Sau khi nghiên cứu, bác sĩ Edmundo phát hiện ra rằng chu kỳ kinh nguyệt của Lina thực sự bắt đầu từ lúc cô bé 8 tháng tuổi, từ rất lâu trước khi gia đình Lina biết về hiện tượng này. Những bức chụp X-quang cũng cho thấy buồng trứng, ngực, cơ quan sinh dục của cô bé đã hoàn thiện giống như một phụ nữ trưởng thành.
Hội chứng dậy thì sớm là gì?
Theo Live Sciecne, thông thường, dậy thì xảy ra vào khoảng 11 tuổi đối với bé gái và 12 tuổi đối với bé trai. Nhưng nếu xảy ra trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai, nó được gọi là dậy thì sớm.
Hiện nguyên nhân gây dậy thì sớm vẫn chưa được xác định. Nhưng, trong một số trường hợp hiếm gặp, các chứng bệnh khác, bao gồm một số bệnh nhiễm trùng, rối loạn hormone, khối u, bất thường hoặc chấn thương não, có thể làm kích thích dậy thì sớm.
Quá trình dậy thì sớm có thể bị đình trệ và bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc để trì hoãn tiến triển của hiện tượng này. Một khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bé gái có thể mang thai và sinh con.
Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên để ý đến những dấu hiệu cảnh báo hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ trước 8-9 tuổi. Ở bé gái, dấu hiệu dậy thì sớm là ngực phát triển, xuất hiện kinh nguyệt. Trong khi đó, dấu hiệu ở bé trai là tinh hoàn và dương vật to, lông mọc sớm trên cơ thể và giọng nói trầm hơn.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác cũng cho thấy các bé bị dậy thì sớm là mọc lông ở nách và cơ quan sinh dục, lớn nhanh khác thường, mọc mụn hoặc có mùi cơ thể như người trưởng thành.
Các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này bao gồm béo phì. Đặc biệt, bé gái có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn bé trai. Những đứa trẻ tiếp xúc nhiều với hormone giới tính, estrogen và testosterone, cũng có nguy cơ cao hơn. Chúng thường có trong kem bôi, thuốc mỡ hoặc chế độ ăn bổ sung quá nhiều chất.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ba-me-tre-nhat-the-gioi-sinh-con-khi-moi-5-tuoi-post958160.html