Ba người thiệt mạng trong các vụ bạo loạn tại Quần đảo Solomon

Ba người được xác nhận là thiệt mạng trong các vụ bạo loạn gần đây tại Quần đảo Solomon, một quốc đảo thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương.

Ngày 27/11, truyền thông Australia dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba người dân địa phương trong một tòa nhà bị cháy ở thủ đô Honiara.

Các thi thể bị cháy đã được phát hiện trong một căn nhà năm trong khu phố của người Hoa và đây là những nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong các vụ biểu tình bạo loạn diễn ra tại Quần đảo Solomon từ hôm thứ Tư vừa qua.

Trong khi đó, theo tin từ truyền thông địa phương, sau ba ngày liên tiếp nổ ra các vụ biểu tình bạo loạn, cướp phá và phóng hỏa, vào sáng nay tình hình trên các đường phố của thủ đô tương đối yên tĩnh, người dân bắt đầu dọn dẹp và đánh giá thiệt hại do hậu quả từ các vụ bạo loạn để lại.

Người biểu tình tụ tập gần các dãy nhà đang cháy trong khu phố của người Hoa tại thủ đô của Quần đảo Solomon (Ảnh: Getty).

Người biểu tình tụ tập gần các dãy nhà đang cháy trong khu phố của người Hoa tại thủ đô của Quần đảo Solomon (Ảnh: Getty).

Chính quyền Quần đảo Solomon đã ban hành lệnh giới nghiêm mới đối với thủ đô Honiara. Thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm là từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau và chưa ấn định ngày kết thúc.

Trong ba ngày qua, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình đòi Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức và cảnh sát địa phương đã tìm cách trấn áp những đối tượng quá khích bằng đạn cao su và hơi cay nhưng không kiểm soát được tình hình.

Tình hình phức tạp đã buộc chính phủ Quần đảo Solomon phải kêu gọi sự trợ giúp an ninh từ các nước lân cận, trong đó có Australia và Papua New Guinea. Trong hai ngày qua, Australia đã cử hơn 100 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên ngoại giao đến hỗ trợ chính phủ Quần đảo Solomon khôi phục trật tự. Papua New Guinea cũng đã cử 50 cảnh sát đến hỗ trở đảm bảo an ninh tại thủ đô Honiara.

Trong nhiều thập kỷ gần đây, mâu thuẫn sắc tộc, căng thẳng chính trị và hiềm khích vẫn diễn ra âm ỉ giữa chính quyền và người dân trên hòn đảo đông dân nhất Malaita và chính quyền trung ương của Quần đảo Solomon đặt trên đảo Guadalcanal.

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2017, Quần đảo Solomon chứng kiến nhiều bất ổn chính trị đi kèm với bạo loạn và một lực lượng gìn giữ hòa bình của khu vực do Australia đứng đầu đã được triển khai để duy trì an ninh cho quốc đảo này./.

Hữu Tiến/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ba-nguoi-thiet-mang-trong-cac-vu-bao-loan-tai-quan-dao-solomon-907885.vov