Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ bị xử lý ra sao khi mang 2 quốc tịch

Theo luật sư, dù mang 2 quốc tịch, bà Hằng vẫn sẽ bị áp dụng bộ luật Hình sự Việt Nam nếu người phụ nữ này không thuộc trường hợp được miễn trừ lãnh sự hoặc ngoại giao.

Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan chức năng cho biết ngoài quốc tịch Việt Nam, bà Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus.

Vậy, việc bị can có 2 quốc tịch có ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý không?

Chia sẻ quan điểm, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết trước tiên, Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế, mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại", luật sư nói.

 Bị can Nguyễn Phương Hằng.

Bị can Nguyễn Phương Hằng.

Theo luật sư Cường, trường hợp người nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế, thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó.

Còn trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Như vậy, theo quy định nêu trên, người Việt Nam phạm tội mang nhiều quốc tịch, trước hết vẫn được xác định là công dân Việt Nam, nên sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội.

"Trong trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng mang 2 quốc tịch và cơ quan công an có đủ căn cứ xác định phạm tội đồng thời bản thân bà Hằng không thuộc trường hợp được miễn trừ theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Bộ luật Hình sự thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng luật pháp của Việt Nam để xử lý", tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết.

Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, cho biết theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Bộ luật Hình sự, người nước ngoài thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của những người này được giải quyết theo một số quy định của Điều ước quốc tế.

Cụ thể, luật sư cho biết người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự là những người thuộc thành viên của các phái đoàn Quốc hội hoặc Chính phủ nước ngoài; những người đứng đầu cơ quan điều tra đại diện ngoại giao (đại sứ, công sứ…); thành viên của các cơ quan ngoại giao đó (cố vấn, tùy biên, bí thư…); cán bộ, nhân viên nước ngoài của cơ quan đại diện thường trú và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam...

Luật sư Tiền nhận định nếu bà Hằng không thuộc một trong những trường hợp nêu trên, thì khi vi phạm pháp luật tại Việt Nam, bà Hằng sẽ bị điều tra và áp dụng chế tài xử phạt (nếu có) tương tự với người Việt Nam, theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Công an TP.HCM xác định khoảng 1 năm qua, bà Hằng thông qua các tài khoản YouTube, Facebook, TikTok để livestream, đưa thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Cơ quan chức năng nhiều lần mời bà Hằng làm việc, nhắc nhở nhưng Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam tỏ thái độ thách thức, coi thường công luận, tiếp tục phát ngôn vu khống, nhục mạ các cá nhân và tổ chức các hoạt động tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh trật tự.

Thời gian qua, Công an TP.HCM tiếp nhận nhiều đơn của các cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Hải Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-nguyen-phuong-hang-se-bi-xu-ly-ra-sao-khi-mang-2-quoc-tich-post1305350.html