Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói gì về quy hoạch 'treo' ở TPHCM?
Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, có những quy hoạch 'treo' 20 – 30 năm đã gây xáo trộn đời sống người dân. Nguyên nhân là do quy hoạch nhìn chưa tới hoặc mong muốn thực hiện nhưng chưa có điều kiện triển khai…
Ngày 23/3, tại kỳ họp lần thứ 24 của HĐND TPHCM, UBND TPHCM có báo cáo về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tầm nhìn của TPHCM
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến Trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy và Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM thông qua.
Sau khi được HĐND TPHCM có ý kiến, UBND TPHCM sẽ hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. “Quan điểm điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn TPHCM mang tính kế thừa, thể hiện tính đột phá nhằm gia tăng hiệu quả và hiệu lực của quy hoạch”, ông Nhã nói.
Dự báo, đến năm 2040, TPHCM có khoảng 13 - 14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu người). Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000ha.
Trong tương lai, phát triển TPHCM thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM - là nền tảng hình thành TP.Thủ Đức. Phát triển Khu đô thị biển Cần Giờ và xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận. Theo đó, TPHCM xác định đến năm 2040, TPHCM hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận. Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn.
Đồng thời, hình thành các trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới; củng cố cấu trúc đô thị đa cực.
Theo ông Nhã, tầm nhìn đến năm 2060 là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á Thái Bình Dương. "TPHCM đặt ra mục tiêu mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng. Phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu; môi trường không khí đảm bảo sức khỏe, người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao"- ông Nhã nói.
Quy hoạch 'treo' nửa đời người
Góp ý về quy hoạch của TPHCM, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, điều chỉnh quy hoạch TPHCM nên lưu ý xu thế của thế giới hiện nay là không chỉ quan tâm đến nhà ở mà còn là chỗ làm, chỗ học, điều kiện di chuyển.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy góp ý về hạ tầng xã hội TP Thủ Đức. Trong đó, cần xác định quy hoạch hạ tầng xã hội thành từng giai đoạn, để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng khu vực này.
Quan tâm đến câu chuyện quy hoạch ‘treo’ hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, quy hoạch TPHCM cần quan tâm nhiều hơn tính khả thi, bởi có những quy hoạch 20, thậm chí 30 năm vẫn không thể thực hiện được. Nguyên nhân do quy hoạch nhìn chưa tới hoặc mong muốn thực hiện nhưng chưa có điều kiện triển khai.
Theo bà Quyết Tâm, tính nhân dân trong quy hoạch cũng chưa được đảm bảo. Đó là tiếng nói và lợi ích người dân trong quy hoạch chưa được đồng bộ. Quy hoạch ‘treo’ thì ‘treo’ luôn cả nước sạch của người dân. Bởi một số khu vực đã được quy hoạch thì không thể đầu tư hệ thống nước sạch, nên nước sạch có, dân có nhu cầu mà không có nước sạch để dùng.
“Quan điểm của tôi là quy hoạch phải đi vào cuộc sống, phải khả thi. Đến 2060 là 40 năm nữa, nếu quy hoạch không tốt mà treo suốt 40 năm thì người dân sẽ khổ sở cỡ nào. Như khu Thanh Đa 30 năm rồi, là một nửa đời người”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.