Doanh nhân muốn bỏ tiền đền bù, đưa 'Anh trai say hi' ra khỏi sân Mỹ Đình là ai?

Một doanh nhân muốn bỏ tiền túi đền bù thiệt hại, đưa 'Anh trai say hi' ra khỏi sân Mỹ Đình để đội tuyển Việt Nam thi đấu AFF Cup. Vị này là ai, tiềm lực như thế nào?

Theo Nhịp sống thị trường, ông Văn Trần Hoàn, Chủ tịch CLB Hải Phòng cho biết vừa gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch liên quan việc đội tuyển Việt Nam không thể thi đấu trên sân vận động Mỹ Đình vì “vướng” tổ chức sự kiện khác.

Theo lịch thi đấu, tại vòng bảng AFF Cup 2024, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đá 2 trận trên sân nhà gặp Indonesia (ngày 15/12) và Myanmar (ngày 21/12) trên sân vận động Mỹ Đình. Giá VFF thuê sân Mỹ Đình khoảng 800 triệu đồng/trận.

Theo quy định của AFF, sân tổ chức thi đấu không được tổ chức sự kiện tối thiểu 21 ngày trước khi giải đấu diễn ra để đảm bảo chất lượng mặt cỏ và các vấn đề khác liên quan.

Tuy nhiên, theo kế hoạch chương trình “Anh trai say hi” Hà Nội - Concert 3 sẽ được tổ chức vào ngày 7/12 tại sân vận động Mỹ Đình. Như vậy, trận đấu VFF Cup Việt Nam - Indonesia sẽ không thể tổ chức được trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Được biết, VFF đã xin ý kiến của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đề nghị được đổi sân thi đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam sang sân Việt Trì (Phú Thọ).

Vé chương trình “Anh trai say hi” Hà Nội đã được bán ra với giá từ 500.000 đến 10 triệu đồng. Sân vận động Mỹ Đình có sức chứa 40.000 người. Với một sự kiện âm nhạc lớn, số ghế có thể đạt 3 vạn chỗ. Tiền đền bù/bồi thường (nếu có) cho việc hủy/đổi địa điểm/dời ngày sự kiện sẽ rất lớn, có thể vài chục cho tới cả trăm tỷ đồng.

Ông Văn Trần Hoàn, người đề xuất chuyển ANh trai say hi khỏi sân Mỹ Đình là ai và giàu có như thế nào?

Ông Văn Trần Hoàn là Chủ tịch CLB Hải Phòng. Ảnh: VTV

Ông Văn Trần Hoàn được biết đến là Chủ tịch CLB Hải Phòng (từ tháng 4/2021) và là một người nổi tiếng với nhiều người hâm mộ bóng đá, ở khía cạnh một cổ đông viên “máu lửa”, thường xuyên theo sát cổ vũ cho CLB Hải Phòng và các đội tuyển Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Ông Hoàn cũng nổi tiếng khi đội bóng Hải Phòng được giao từ CTCP Thể thao Hải Phòng sang CTCP Sông Hồng của ông.

Ông Văn Trần Hoàn sinh năm 1969 và là đại diện kiêm giám đốc CTCP Sông Hồng (thành lập 2003), có trụ sở tại quận Lê Chân, Hải Phòng, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Ngoài ra, Sông Hồng cũng tham gia vào xuất nhập khẩu hàng hóa, bán buôn sắt, thép, tôn tấm; kinh doanh bất động sản; vận tải hành khách; nuôi trồng thủy sản…

Ông Hoàn còn là đại diện CTCP Vận tải và kinh doanh tổng hợp.

Theo Vietnamfinance, CTCP Sông Hồng có doanh thu hàng năm vài trăm tỷ nhưng lợi nhuận khá thấp, dưới 1 tỷ đồng.

Trước đó, ông Văn Trần Hoàn nằm trong HĐQT của CTCP Container Việt Nam - Viconship (VSC) - doanh nghiệp nắm giữ thị phần cảng lớn nhất tại Hải Phòng, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 tới cuối tháng 3/2024.

Hồi cuối năm 2021, TP Hải Phòng có chủ trương giao khu đất đầm tại đê Tả Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân cho chủ đầu tư là CTCP Sông Hồng để làm sân tập bóng đá.

Tuy nhiên, khi các ngành liên quan đang bàn tính để có diện tích phù hợp, chỉ giới cụ thể đúng quy định, không xâm lấn hành lang thoát lũ, an toàn đê điều… thì 10ha đất ven sông đã bị san lấp trái phép, xây dựng công trình lấn ra lòng sông Lạch Tray, ảnh hưởng tới dòng chảy, gây nguy cơ xói lở đê Tả Lạch Tray trước mùa mưa lũ.

Sở NN&PTNT sau đó yêu cầu Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng dừng san lấp trái phép.

Theo Tiền Phong, Văn Trần Hoàn gắn liền với câu chuyện đốt pháo sáng trên sân vận động - một “thú chơi” của CĐV Hải Phòng nhưng lại làm đau đầu những người làm công tác tổ chức giải bóng đá Việt Nam. Bởi thế mà ông cũng được gắn với biệt danh Hoàn “pháo”.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nhan-muon-bo-tien-den-bu-dua-anh-trai-say-hi-ra-khoi-san-my-dinh-la-ai-2342497.html